Nhằm góp thêm góc nhìn BẠN ĐỌC LÀM BÁO, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này.
Không quậy phá không là… học sinh!
Tôi từng có thời gian đứng trên bục giảng, cũng từng phụ trách lớp cuối cấp có sĩ số học sinh gần 60 em.
Lớp tôi cũng đăng ký thi đua, cũng có học sinh học kém, học sinh cá biệt (từ thông dụng lúc tôi còn đứng lớp), cũng có nhiều học sinh nói chuyện lẫn quậy phá trong giờ học.
Trong nhiều buổi học, cứ mỗi lần tôi quay lưng viết bài trên bảng đen là cả lớp biến thành cái chợ. Thậm chí có những học sinh nam ngồi những bàn học cuối lớp chọc phá nhau, rồi đánh nhau ngay trong lúc tôi giảng bài.
Lớp tôi cũng từng có những học sinh không những không thuộc bảng cửu chương mà còn “tù mù” các phép tính cộng trừ, chứ đừng nói chi đến phép tính nhân chia, dù các em đang học lớp cuối cấp bậc tiểu học.
Tôi cũng từng bị những giáo viên dạy các lớp học liền kề phàn nàn: “Lớp thầy T. như một cái chợ làm ảnh hưởng lớp thầy A, cô B”.
Tôi cũng đã có những sáng kiến ổn định lớp, nhưng bước đầu thì tốt, sau đó thì đâu vào đấy, tất cả đều vô hiệu.
Và tôi cũng từng được ông ủy viên thư ký UBND xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (tỉnh Long An) P.D.K. viết thư cho phép: “Thầy cứ mạnh tay đánh thằng T. – cái thằng cháu ngoại ngỗ nghịch này tôi nói nó chẳng nghe lời, rất cảm ơn thầy”.
Nhưng đối với em T. cũng như nhiều học sinh ngỗ nghịch khác, tôi đã không thể làm như lời ông ngoại em nói.
Một là không nỡ, hai là tôi bị ám ảnh câu nói của ai đó: Không có học sinh dốt, học sinh quậy phá, mà chỉ có người thầy chưa thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quan trọng hơn là tâm sinh lý học sinh.
Thật lòng mà nói, lúc đó tôi không cảm thấy buồn lòng, mà luôn đau đáu “vắt óc” để có một biện pháp nào “trừ” được bệnh học sinh “nói chuyện, quậy phá” trong lớp và vực dậy những học sinh cá biệt cứ bị “lùa” từ lớp dưới lên lớp trên mỗi năm.
Phải làm cho các em đam mê học
Tôi phát hiện một nguyên nhân cốt lõi các em chưa học tốt vì chưa đam mê học tập.
Tôi cho đó là lý do chính gây ra nhiều cớ sự trong giờ học.
Tôi nghĩ rằng chỉ có tình yêu thương, thấu hiểu, khoan dung và độ lượng, và nếu cần bản thân mình hãy vì các em để đưa các em tới đam mê học tập, từ đó mới có thể giải quyết được tất cả.
Quyết tâm như vậy, tôi bắt đầu “gần gũi” với các em hơn. Tôi đi dạy sớm hơn, giờ ra chơi tôi không lên văn phòng như bao giáo viên khác, mà ở lại với các em.
Có khi ngồi ở lớp để tâm sự với các em: “Em nào không biết làm toán cộng, em nào không biết làm toán trừ, toán nhân, em nào không thuộc bảng cửu chương… lấy tờ giấy nháp ra đây thầy dạy cho”.
Ban đầu chỉ vài em, nhưng sau đó thì hầu như em nào không thuộc bài, không biết làm toán đều tự mình đến với tôi. Các em đến với tôi một cách thật tự nhiên và hồ hởi.
Tất nhiên thân thiết như thế tôi cũng có đôi lần bị cô hiệu trường phê phán: “Trường gần dân, trò gần thầy là tốt, nhưng thầy thân thiết với học sinh nhiều như vậy tôi sợ có ngày trò không ra trò, thầy không ra thầy đó”.
Chỉ hơn 2 tháng sau, kết quả học tập lớp 5/3 của tôi làm cho cả ban giám hiệu Trường tiểu học Rạch Đào, cũng như tập thể trường ngạc nhiên. Cô hiệu trưởng P.T.Đ. nói: “Thầy làm được một việc mà tôi không thể ngờ!”.
Cuối năm, kết quả học tập lớp 5/3 năm học 1983-1984 vượt khỏi niềm mong ước của tôi.
Tới bây giờ, mỗi khi báo đài nói về chuyện “học sinh ngồi nhầm lớp” là tôi không bao giờ quên “dấu ấn” này.
Nghề giáo bao giờ cũng là một nghề đặc thù so với nhiều nghề khác, nên đòi hỏi cần có những phẩm chất cao đẹp mà đôi khi những nghề khác chưa cần đến.
4 vấn đề căn cơ trong ngành giáo dục cần làm rõ, theo tôi đó là:
– Đội ngũ lãnh đạo ngành có đổi mới tư duy quản lý chưa?
– Có chậm thay đổi từ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ xứng đáng với nhà giáo không?
– Có hay không việc tạo áp lực không cần thiết ngoài chuyên môn của giáo viên?
– Ngành làm sao khơi dậy cái “tâm” của người thầy?
Bao giờ nghề giáo còn mang lại nhiều đam mê cho nhiều người, bao giờ các trường đào tạo giáo viên là một “cửa ải” khó vượt qua cho những ai muốn theo đuổi nghề, ngày ấy giáo dục ta sẽ không còn chuyện “Học sinh lớp 6 gần như chưa biết đọc” nữa.