(Dân trí) – Hiểu trường học hạnh phúc là để vui chơi, bớt học hành, nhiều người phản ứng lại với quan điểm: “Đã đi học là phải khổ, cần gì trường học hạnh phúc”.
Đó là một trong những cách hiểu chưa đúng về trường học hạnh phúc được ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề cập tại hội nghị sơ kết trường học hạnh phúc và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của Sở GD&ĐT TPHCM diễn ra sáng 29/11.
Ông Ân cho biết: “Tôi nghe nhiều người nói không cần trường học hạnh phúc vì đã đi học là phải khổ, phải khổ luyện chứ đi học không phải để vui chơi. Bởi họ hiểu theo cách trường học hạnh phúc là học sinh đến trường để vui chơi”.
Có người cũng thắc mắc từ cả chục năm trước trường chúng tôi cũng đã tổ chức văn nghệ, trang trí, chào mừng… sao không được gọi là trường học hạnh phúc mà giờ lại có khái niệm này.
Ông Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ, cách hiểu trường học hạnh phúc một bên là trang trí, cờ hoa, vui chơi và một bên là để học sinh thoát ra khỏi việc học đều không đúng. Cách hiểu này có thể dẫn đến những ngộ nhận, sai lệch về trường học hạnh phúc, rất nguy hiểm.
Bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục của UNESCO Việt Nam cho hay, nhìn một cách dễ hình dung, trường học hạnh phúc là nơi mà chúng ta có thể nhìn thấy giáo viên rạng rỡ tươi vui, nghe thấy tiếng cười khúc khích của học trò, cũng như cảm nhận được bầu không khí trong lành hay ăn một bữa ngon ở trường.
Đó là nơi mà mỗi người có thể học tập, phát triển và vui chơi cùng lúc; cảm thấy hạnh phúc, được chào đón, tôn trọng và hỗ trợ.
Tầm nhìn về trường học hạnh phúc như trên là điều UNESCO mong muốn hiện hữu trên thế giới và đã khởi xướng từ 10 năm trước, tạo nên phong trào toàn cầu.
Bà Miki Nozawa đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy sáng kiến này.
Đặc biệt là TPHCM đã đi đầu trong việc thực hiện một loạt các nghiên cứu và tham vấn với các bên liên quan để xây dựng và triển khai bộ tiêu chí khung trường học hạnh phúc tại địa phương năm 2023.
Không đánh đổi hạnh phúc của trò với chất lượng giáo dục
Trong bài thuyết trình, đại diện UNESCO chỉ ra nhiều nghiên cứu cho thấy hạnh phúc dẫn đến kết quả tốt hơn về học tập, giảng dạy, sức khỏe, hiệu suất, tính thích ứng…
Qua đó nhấn mạnh, thành tựu học tập không hề mâu thuẫn với mức độ hạnh phúc. Việc ưu tiên hạnh phúc trong giáo dục không phải là điều xa xỉ cần đánh đổi với chất lượng giáo dục.
Những ngôi trường hạnh phúc tạo nên người học yêu thích học tập và trở thành những người học suốt đời cũng như những giáo viên luôn vui vẻ với công việc giảng dạy và học tập trong suốt cuộc đời mình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, những kết quả ban đầu khi đưa môi trường hạnh phúc vào trường học đến từ niềm tin chúng ta không đánh đổi hạnh phúc của học trò với chất lượng giáo dục.
“Học tập hạnh phúc không phải là học ít hơn mà học trong sự thích thú, sự tò mò sáng tạo, sự hạnh phúc và trân trọng kiến thức. Theo đuổi mô hình trường học hạnh phúc không tách rời với công cuộc đổi mới giáo dục.
Một người học hạnh phúc sẽ tự nuôi dưỡng niềm yêu thích với việc học, có ý thức và động lực xây dựng thói quen tự giác học tập suốt đời, mọi lúc mọi nơi”, Thứ trưởng Phúc nhấn mạnh.
TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai có quy mô bộ tiêu chí trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục từ năm học 2023-2024.
Bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường.
Bộ tiêu chí đánh giá dựa trên khảo sát cảm nhận của người dạy, người học tại nhà trường. Mỗi tiêu chí được đánh giá thành 3 mức: cần cải thiện, khá, tốt.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nhieu-nguoi-noi-di-hoc-la-phai-kho-can-gi-truong-hoc-hanh-phuc-20241129133513864.htm