Sau điều tra vụ buôn lậu vàng, CQĐT kiến nghị cơ quan quản lý thị trường vàng tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức; giám sát thị trường vàng, quản lý nguồn gốc vàng bày bán...
Theo kết luận điều tra vụ buôn lậu, trốn thuế xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty Vàng bạc Phú Quý và các đơn vị liên quan, một số chủ tiệm vàng ở Hà Nội đã liên hệ với “bà trùm” buôn lậu vàng Nguyễn Thị Hóa để đặt mua vàng từ Lào vận chuyển trái phép về Việt Nam tiêu thụ.
Tháng 5-6/2023, bị can Trần Anh Sơn, quản lý tiệm vàng Minh Hưng đã liên hệ với bà Hóa đặt mua 128 kg vàng nhập lậu từ Lào với tổng giá trị hơn 188 tỷ đồng. Sau khi mua được vàng từ “bà trùm”, ông Sơn phân kim để tăng số vàng, chất lượng vàng rồi bán lại vàng cho Công ty Vàng Phú Quý và một số đơn vị, khách lẻ.
Bị can Đàm Anh Tuấn, chủ tiệm vàng Tuấn Quang đã mua 10 kg vàng lậu của bà Hóa với giá 5.255.000 đồng/chỉ, thỏa thuận giao hàng tại Hà Nội. Ngoài 10kg vàng lậu nêu trên, ông Tuấn còn một số lần mua vàng của bà Hóa nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cụ thể đối với từng lần giao dịch.
Ông Nguyễn Khắc Bồng cũng nhiều lần đặt mua vàng của bà Hóa. Khoảng ngày 25,26/5/2022, bị can gọi điện qua ứng dụng Zalo hoặc Viber cho bà Hóa nói: “Bên này đang được, lấy em chục cái, hàng bên kia về đẹp nhé”. Hai bên thống nhất 10 kg vàng với giá hơn 5,3 triệu đồng/chỉ; tỷ giá 23.880 đồng/USD.
Kiến nghị của Cơ quan điều tra
Khoản 3, Điều 4; khoản 1, Điều 14 và khoản 3, Điều 16 Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ quy định: “Ngân hàng nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu (vàng khối, thỏi, hạt) để sản xuất vàng miếng; tổ chức, quản lý, sản xuất vàng miếng”.
Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho 11 doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài và giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất/gia công vàng trang sức mỹ nghệ cho 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng; không cấp phép cho tổ chức, cá nhân nào sản xuất vàng miếng.
Kết thúc điều tra vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh vàng nguyên liệu, đảm bảo cung ứng vàng cho thị trường.
Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý để đáp ứng nhu cầu vàng cho người dân; ngăn chặn hoạt động đầu cơ, buôn lậu.
CQĐT cũng kiến nghị cơ quan quản lý thị trường vàng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức; giám sát thị trường vàng, các cơ sở kinh doanh mua bán vàng trong nước, quản lý nguồn gốc vàng bày bán tại các tiệm vàng.
Đồng thời xử lý các cơ sở kinh doanh mua bán vàng không hợp pháp, không có nguồn rõ ràng; đảm bảo hoạt động kinh doanh mua bán vàng minh bạch, đúng quy định; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động đầu cơ, buôn lậu và đáp ứng nhu cầu vàng cho người dân.
Kiến nghị cơ quan thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc giao dịch mua bán vàng các loại không có hóa đơn, chứng từ; phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ khống trong hoạt động kinh doanh mua bán vàng.
Đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp pháp hóa vàng nhập lậu, vàng không rõ nguồn gốc.
Trong vụ án này, các bị can cũng lợi dụng chính sách- cư dân biên giới chỉ cần sử dụng căn cước công dân hoặc CMND là có thể đi qua cửa khẩu để vận chuyển vàng tinh vi.
Vì vậy, CQĐT kiến nghị cơ quan Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo lực lượng hải quan và bộ đội biên phòng tại các cửa khẩu đường bộ, nhất là khu vực có nhiều đường mòn, lối mở tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc đăng ký, quản lý đối với người, phương tiện của cư dân biên giới thường xuyên qua lại cửa khẩu, kể cả với phương tiện xe cá nhân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vu-buon-lau-vang-ban-cho-cac-tiem-o-ha-noi-va-kien-nghi-cua-co-quan-dieu-tra-2371419.html
Bình luận (0)