Ngày 8-10, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB), luật sư Lê Hồng Nguyên cho rằng, bị cáo không phạm tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Bị cáo Văn có ký 20 hợp đồng, 13 hợp đồng trả nợ, 7 hợp đồng trả tiền tư vấn.
Trong quá trình thực hiện ký kết 20 hợp đồng này, quy trình của SCB gồm lệnh chuyển tiền, hồ sơ pháp lý của công ty chuyển tiền theo đúng quy trình của SCB do nhân viên dưới quyền Văn trình lên. Bị cáo Văn không biết được các sai sót của các hồ sơ này như cáo trạng quy kết.
Luật sư lập luận, về cấu thành tội phạm thì hành vi vận chuyển trái phép không đúng quy định qua biên giới là trên bộ, trên không, trên biển. Phương thức vận chuyển có thể mang vác bằng sức người hay phương tiện vận tải. Tiền tệ theo quy định của tội danh tại Điều 189 phải là vật chất chứ không phải là tiền trên phương tiện điện tử như đang xét xử của vụ án này.
Bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt – TVSI, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn VTP), luật sư Nguyễn Thành Công cho biết, mức hình phạt mà viện kiểm sát đề nghị với thân chủ của mình với 10-11 năm tù, là quá nặng.
Theo luật sư, bị cáo Phương không tham gia vào giai đoạn chủ trương ban đầu và giai đoạn bán cho các bị hại. Bị cáo tham gia vào giai đoạn hỗ trợ phát hành trái phiếu đến tay của các nhà đầu tư. Giai đoạn đầu các Công ty Quang Thuận, An Đông, Sunny World phát hành trái phiếu bán cho các công ty sơ cấp là đúng với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên vào các giai đoạn sau đó khi chạy dòng tiền, chuyển giao trái phiếu cho TVSI và phân phối bán cho hơn 35.000 bị hại mới có sai phạm. Bị cáo Phương chỉ tiếp nhận chủ trương và hỗ trợ trong việc phát hành trái phiếu, không quyết định, chỉ đạo bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.
Luật sư Nguyễn Thành Công đề nghị hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét thêm về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tổ chức”. Trong vụ án này, bị cáo Phương không tiếp nhận chủ trương từ Trương Mỹ Lan nên hoàn toàn không biết được mục đích phát hành trái phiếu để làm gì.
Do đó, luật sư cho rằng viện kiểm sát đánh giá bị cáo Phương phạm tội có tổ chức là chưa phù hợp với diễn biến hành vi khách quan của vụ án.
Tương tự, bào chữa cho bị cáo Tô Thị Anh Đào (cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VTP, bị viện kiểm sát đề nghị từ 30 – 36 tháng tù), luật sư Nguyễn Đỗ Bảo Châu nhận định, tài liệu điều tra và lời khai chưa đủ cơ sở xác định các bị cáo cấu kết, phân công, phân nhiệm với nhau.
Do đó, luật sư cho rằng không đủ căn cứ để áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” như đại diện viện kiểm sát đề nghị, đề nghị hội đồng xét xử đánh giá lại. Luật sư cũng đề nghị, đối với các tài sản thu giữ, phong tỏa tài khoản, kê biên bất động sản hoàn toàn không liên quan đến vụ án, đề nghị hội đồng xét xử trả lại, hủy bỏ kê biên, ngăn chặn cho bị cáo.
CHÍ THẠCH – THÀNH CHUNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/vu-an-truong-my-lan-giai-doan-2-luat-su-cho-rang-cuu-tong-giam-doc-scb-khong-pham-toi-van-chuyen-tien-trai-phep-qua-bien-gioi-post762717.html