Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi, người thể hiện thành công nhiều ca khúc cách mạng trong đó có “Cô gái vót chông” đã qua đời ở tuổi 86.
Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi, ca sỹ-nhạc sỹ nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng Việt Nam vừa qua đời tại Đà Nẵng, hưởng thọ 86 tuổi.
Bà được xem là người thể hiện ca khúc “Cô gái vót chông” hay nhất và ấn tượng nhất với đoạn staccato (kỹ thuật bật nốt trong thanh nhạc) giả tiếng chim rừng đại ngàn Tây Nguyên.
Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi (tên đầy đủ là Trương Tường Vi) sinh năm 1938 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình gia giáo. Từ nhỏ, nghệ sỹ đã bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát dù gia đình không có ai theo nghệ thuật.
Năm 16 tuổi, sau cú sốc bà ngoại mất vì bom đạn, cô gái Tường Vi xin nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện quân y 108. Năm 1956, bà chuyển sang đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và bắt đầu học thanh nhạc. Tại đây, bà bộc lộ rõ chất giọng nữ cao vang sáng, lanh lảnh như chim hót của mình.
Năm 1962, nữ nghệ sỹ thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và tốt nghiệp vào năm 1967.
Năm 1974, bà theo học Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Nhờ đó, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi được đào tạo bài bản về thanh nhạc, nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phức tạp.
Trong những năm chiến tranh, bà theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường. Bà cũng thu âm nhiều ca khúc được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam như: “Tiếng đàn Ta Lư,” “Cô gái vót chông,” “Em là hoa Pơ Lang,” “Người con gái sông La,” “Cánh chim báo tin vui,” “Người lái đò trên sông Pô Cô,” “Bóng cây Kơ nia,” “Suối Lenin”…
Bà còn được chọn đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới như: Liên Xô, Ba Lan, Chile, Cuba… và cũng là một trong số ít ca sỹ được nhiều lần biển diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ca hát, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi còn là một nhạc sỹ. Bà sáng tác nhiều ca khúc cách mạng như: “Phi đội ta xuất kích,” “Quê hương anh là biển cả,” “Em lắng nghe tiếng đời”… hay các bài hát thiếu nhi như: “Đời cho em những nốt nhạc vui,” “Trái tim ơi đừng buồn,” “Ước mơ của bé là hoà bình”…
Sau này, bà làm giảng viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đào tạo nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như: Đồng Quang Vinh, Giáng Son, Khánh Thi… Ngoài ra, bà còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sỹ Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1962 đến 1982.
Các thế hệ giọng ca vàng của dòng nhạc cách mạng Việt Nam sẽ cùng hội ngộ trong chương trình “Điểm hẹn mùa Xuân,” diễn ra ngày 15/4, ở Hà Nội.
Với những đóng góp của mình, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú và phong hàm Trung tá vào năm 1984. Đến năm 1993, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân. Bà còn được Nhà nước khen thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi cũng là nghệ sỹ hiếm hoi được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1996.
Năm 1992, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi mở lớp dạy nhạc cho trẻ em mồ côi, sau đó lập nên Trung tâm Nghệ thuật Tình thương, mục đích nuôi dưỡng và đào tạo nghệ thuật cho trẻ em bị khuyết tật, mồ côi. Trung tâm của bà cũng nhiều lần đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm.
Trong sự nghiệp của mình, Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi biểu diễn thành công nhiều ca khúc nhưng gắn bó với tên tuổi bà của nhất là “Cô gái vót chông.” Bằng kỹ thuật staccato, giả tiếng chim hót, bà đã đưa ca khúc lên một đỉnh cao mới, tạo tiếng vang lớn với cả giới chuyên môn lẫn công chúng.
Lúc sinh thời, bà chia sẻ: “Sở dĩ tôi sáng tạo thêm đoạn staccato vào bài hát vì tôi muốn có sự đột phá, để tận dụng sở trường giọng nữ cao màu sắc. Bên cạnh đó, vì đây là một sáng tác mang âm hưởng Tây Nguyên nên tôi muốn giả tiếng chim hót để mang thêm sắc màu của núi rừng đại ngàn.”
Chia sẻ quan điểm về nghề nghiệp, bà nhận định một ca sỹ chuyên nghiệp là một ca sỹ vừa có giọng hát, sự khổ luyện và cảm xúc âm nhạc.
“Đúng là không phải cứ có kỹ thuật là hay nhưng người ca sỹ cũng phải hiểu được vai trò của kỹ thuật thanh nhạc. Nếu không học thanh nhạc thì khó mà có được cột hơi dài và phát âm đúng nốt trầm, nốt cao. Ca sỹ có thể không học bài bản ở trường lớp nhưng phải luyện thanh hàng ngày nếu muốn hát lâu dài. Tôi nghĩ rằng muốn thành công, mình phải lao động mà một trong những lao động của người ca sỹ đó là bảo vệ, phát huy và phát triển giọng hát của mình,” bà nói./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/vinh-biet-nghe-sy-nhan-dan-tuong-vi-co-gai-vot-chong-cua-dong-nhac-cach-mang-post946938.vnp