Thông tin được ca sĩ Ngọc Anh (Tam ca 3A) đăng tải trên trang mạng xã hội cá nhân kèm một bức ảnh kỷ niệm cùng với NSND Tường Vi.
“Con tạm biệt mẹ thân yêu. Cảm ơn mẹ đã luôn nhớ thương con và cháu nội Trung Ben Tran. Chúng con không thể về kịp chia tay mẹ, nhưng chúng con sẽ về thăm viếng mẹ thường xuyên như con vẫn luôn thăm mẹ những tháng ngày qua mẹ nhé. Thương mẹ vô cùng”, ca sĩ Ngọc Anh viết.
NSND Tường Vi sinh năm 1938 tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 1967, bà tốt nghiệp khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1974, bà theo học tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.
NSND Tường Vi là một trong những giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Bà được biết đến với loạt ca khúc nổi tiếng trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam một thời. Có thể kể tới như Tiếng đàn Ta Lư (nhạc sĩ Huy Thục), Em là hoa Pơ Lang (Đức Minh), Người con gái sông La (Doãn Nho), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Người lái đò trên sông Pô Cô (Cẩm Phong, thơ Mai Trang), Bóng cây Kơ-nia (Phan Thanh Nam, thơ Ngọc Anh)…
Tuy nhiên, khán giả nhớ nhiều nhất vẫn là Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp, thơ Lô Mô Y Choi) khi NSND Tường Vi hát được nốt nhạc Eb6 – một nốt nhạc rất cao của giọng nữ và là nốt nhạc cao nhất mà một ca sĩ Việt Nam chạm tới trong một tác phẩm vào thời điểm bấy giờ.
Dù không phải người đầu tiên thể hiện ca khúc Cô gái vót chông nhưng NSND Tường Vi dùng tiếng hát của mình đưa bài hát này lên một đỉnh cao mới, tạo tiếng vang lớn với cả giới chuyên môn lẫn công chúng. Chính nhạc sĩ Hoàng Hiệp lúc sinh thời cũng thừa nhận ca khúc được ca sĩ Tường Vi trình bày đầy sáng tạo, nâng lên một tầm cao mới, sống mãi trong lòng người thưởng thức cho đến bây giờ.
Ngoài tiếng hát, NSND Tường Vi còn là một nhạc sĩ đa tài với nhiều sáng tác nổi tiếng như: Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả, Em lắng nghe tiếng đời,… Cùng với đó là các ca khúc viết cho thiếu nhi như: Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn, Ước mơ của bé là hòa bình…
Sau này, bà làm giảng viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong quá trình công tác tại đây, bà từng đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Đồng Quang Vinh, Giáng Son, Khánh Thi…
Ngoài ra, bà còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong thời gian từ năm 1962 đến năm 1982.
Với những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc, bà đã được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1984, danh hiệu NSND vào năm 1993. Bà cũng vinh dự là nghệ sĩ hiếm hoi được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1996.
Hoàng Vân
Nguồn: https://www.congluan.vn/nsnd-tuong-vi-co-gai-vot-chong-qua-doi-o-tuoi-86-post295119.html