Trên trang Facebook cá nhân, ca sĩ Ngọc Anh (Tam ca 3A) đăng tải một bức ảnh kỷ niệm cùng với NSND Tường Vi và viết:
“Con tạm biệt mẹ thân yêu. Cảm ơn mẹ đã luôn nhớ thương con và cháu nội Trung Ben Tran.
Chúng con không thể về kịp chia tay mẹ, nhưng chúng con sẽ về thăm viếng mẹ thường xuyên như con vẫn luôn thăm mẹ những tháng ngày qua mẹ nhé. Thương mẹ vô cùng”.
Ngọc Anh là vợ cũ của Trần Hùng – con trai duy nhất của nghệ sĩ Tường Vi với nhạc sĩ Trần Chương.
Tuy đã chia tay Trần Hùng nhưng mối quan hệ của cô với mẹ Tường Vi vẫn tốt đẹp.
NSND Tường Vi hát Cô gái vót chông hay nhất
NSND Tường Vi là một trong những giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Bà được biết đến với loạt ca khúc nổi tiếng trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam một thời.
Có thể kể tới như Tiếng đàn Ta Lư (nhạc sĩ Huy Thục), Em là hoa Pơ Lang (Đức Minh), Người con gái sông La (Doãn Nho), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Người lái đò trên sông Pô Cô (Cẩm Phong, thơ Mai Trang), Bóng cây Kơ-nia (Phan Thanh Nam, thơ Ngọc Anh)…
Trong sự nghiệp của mình, bà hát nhiều ca khúc nhưng khán giả nhớ nhiều nhất vẫn là Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp, thơ Lô Mô Y Choi).
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp lúc sinh thời kể, bài hát được tốp nữ của Nhà hát Ca múa nhạc trung ương dàn dựng và biểu diễn lần đầu năm 1965, sau đó đi một số nước châu Âu, được ghi đĩa ở Pháp…
Nhưng vài năm sau, ca khúc được ca sĩ Tường Vi trình bày đầy sáng tạo, nâng lên một tầm cao mới, sống mãi trong lòng người thưởng thức cho đến bây giờ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhạc sĩ Hoàng Lân, một người đồng nghiệp của nghệ sĩ Tường Vi, kể trong ca khúc này, bà “đã hát thêm một đoạn kỹ thuật staccato giả tiếng chim hót rất xuất sắc và tài tình, không phải ai cũng làm được.
Đoạn staccato này xuất sắc đến nỗi những ca sĩ lứa sau, khi thể hiện Cô gái vót chông, đều phải bắt chước theo”.
Cô gái vót chông – NSND Tường Vi
“Tường Vi hát, bộ đội và nhân dân cùng thích, cùng mến”
Nhạc sĩ Doãn Nho và NSND Tường Vi cùng công tác tại đoàn ca múa nhạc quân đội thuộc Tổng cục Chính trị.
Hai nghệ sĩ từng tham gia rất nhiều sự kiện, các buổi biểu diễn cũng như những chuyến đi vào chiến trường cùng nhau nên có rất nhiều kỷ niệm.
Nhạc sĩ Doãn Nho cho Tuổi Trẻ Online biết, khi nghe tin về NSND Tường Vi, không chỉ riêng ông và lực lượng quân đội mà nhân dân cả nước đều thương tiếc và đau buồn.
Ông nói, Tường Vi là một trong những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND sớm của chúng ta, của Tổng cục Chính trị.
Bà cũng là một trong những người hát thành công các ca khúc của ông.
Nhạc sĩ Doãn Nho đánh giá: “Tường Vi có một giọng hát hay, rất hấp dẫn và tiếng hát ấy không chỉ dành riêng cho quân đội mà còn là tiếng hát dành cho nhân dân”.
Theo nhạc sĩ, NSND Tường Vi sở hữu một tiếng hát rất truyền cảm, bắt nguồn từ tâm hồn của người lính. Bản thân bà công tác trong đoàn ca múa nhạc quân đội, có nhiều cơ hội tiếp xúc, trò chuyện nhiều với bộ đội và cảm thông sâu sắc với họ.
“Khi Tường Vi hát, bộ đội và nhân dân cùng nghe, cùng thích, cùng mến”, nhạc sĩ nói.
Mỗi người một nẻo nên lâu lắm nhạc sĩ Hoàng Lân không gặp NSND Tường Vi. Lần cuối cả hai gặp nhau khi ông còn là hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Lúc đó, nghệ sĩ Tường Vi sang trường “xin” một cây đàn piano cũ để về dạy cho các em nhỏ tại trung tâm tình thương mà bà là người sáng lập.
“Sáng nay (12-5), nghe tin chị Vi mất, tôi rất bất ngờ. Tôi xin được gửi lời chia buồn tới gia đình chị. Tạm biệt chị Vi, một trong những giọng ca đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc”, ông Lân nhắn gửi.
Ông nói: “Không chỉ có đóng góp to lớn cho âm nhạc cách mạng Việt Nam, đặc biệt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chị Vi còn là người rất nhiệt tình, hăng say làm các công tác xã hội, một người có lòng quảng đại”.
NSND Tường Vi sinh năm 1938 tại Quảng Nam, trong một gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng có năng khiếu ca hát.
Năm bà 16 tuổi, bà ngoại của bà mất do trúng bom của Pháp. Bà xin nhập ngũ rồi thành y tá tại Viện Quân y 108 rồi chuyển sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và bắt đầu học thanh nhạc.
Trong những năm tháng bom đạn chiến tranh, bà đã theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường. Bà có chất giọng nữ cao, hát được nhiều thể loại như dân ca, nhạc đỏ, nhạc thính phòng.
Ngoài ca hát, Tường Vi còn là tác giả của nhiều ca khúc như Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả, Em lắng nghe tiếng đời…; các ca khúc thiếu nhi như Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn, Ước mơ của bé là hòa bình…
Với những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc, bà đã được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1984, danh hiệu NSND vào năm 1993.
Lễ viếng NSND Tường Vi diễn ra vào 7h ngày 14-5 tại Nhà tang lễ bệnh viện Quân y 17 (số 3 Nguyễn Phi Khanh, TP. Đà Nẵng).
Lễ truy điệu lúc 12h cùng ngày, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Quân khu 5, Đà Nẵng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nsnd-tuong-vi-nguoi-hat-co-gai-vot-chong-hay-nhat-qua-doi-20240512061903553.htm