Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đánh giá, với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đã và đang có vị thế tốt để tận dụng tiềm năng của mình.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam. |
Chuyển đổi số luôn được khẳng định là trọng tâm trong công việc toàn cầu của UNDP. Bà nhận thấy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra như thế nào?
Trước hết, cần ghi nhận rằng Việt Nam đã sớm nhận ra được vai trò xúc tác của số hóa, thiết lập các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng về một quốc gia kỹ thuật số thịnh vượng vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi phải có những cải cách căn bản và toàn diện trong hoạt động của Chính phủ, các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và cách mọi người sống và làm việc.
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vào năm 2020 đã đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển số của Việt Nam. Chương trình đặt con người làm trung tâm, coi chuyển đổi số là lộ trình then chốt để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Ngày nay, khoảng ba phần tư người Việt Nam sử dụng Internet, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia được kết nối nhiều nhất trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách đáng kể về trình độ hiểu biết công nghệ số của người dùng Việt Nam. Khoảng cách này đặc biệt nghiêm trọng khi nói đến thương mại điện tử và dịch vụ kỹ thuật số, nơi người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vẫn thích sử dụng tiền mặt hơn là ví kỹ thuật số hoặc tài khoản ngân hàng và dịch vụ tài chính trực tuyến.
Khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hàng năm của UNDP tại Việt Nam vào năm 2022 cho thấy mặc dù tỷ lệ sử dụng Internet cao nhưng chưa đến 5% số người được hỏi trên toàn quốc đã truy cập các dịch vụ quản trị điện tử thông qua Cổng dịch vụ điện tử quốc gia.
Việc phát triển các dịch vụ trực tuyến một cách hiệu quả cần đi đôi với nâng cao nhận thức và phát triển kiến thức về kỹ thuật số, hỗ trợ người dân chuyển từ quy trình sử dụng tiền mặt và giấy tờ sang tiếp cận các dịch vụ tài chính và quản trị điện tử kỹ thuật số, thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ kỹ thuật số một cách tự tin và an toàn trong khi vẫn duy trì các lựa chọn cho những người chưa có khả năng tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số.
Bà đánh giá thế nào về mục tiêu trở thành nền kinh tế số hàng đầu khu vực ASEAN của Việt Nam vào năm 2030?
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia phản ánh khát vọng của Việt Nam trở thành quốc gia kỹ thuật số và có nền kinh tế số hàng đầu trong khu vực ASEAN vào năm 2030, đồng thời thúc đẩy thử nghiệm toàn diện các công nghệ mới trong nền kinh tế số.
Với chương trình quốc gia này, Việt Nam đã và đang có vị thế tốt để tận dụng tiềm năng của mình. Tổng số nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam đạt khoảng 1,15 triệu người, với 160 trường đại học trên toàn quốc cung cấp các chương trình đào tạo kỹ thuật.
Đến tháng 5/2022, nhờ sự chỉ đạo của chương trình quốc gia, cả 63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, 55/63 địa phương ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và 59 địa phương ban hành chương trình/dự án, kế hoạch chuyển đổi số trong thời gian năm năm, thể hiện quyết tâm chính trị cụ thể để hoàn thành các mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Hợp tác quốc tế được cho là một trong những giải pháp giúp Việt Nam thích ứng nhanh với đổi mới sáng tạo. Bà có thể đưa ra những kinh nghiệm điển hình trên thế giới có thể áp dụng tại Việt Nam?
Hệ thống điện tử về mua sắm công cung cấp nền tảng trực tuyến cho các quy trình mua sắm công, làm cho quy trình này trở nên minh bạch và có trách nhiệm hơn, giúp giảm nguy cơ tham nhũng. Các quốc gia như Ukraine, Kenya và Brazil đã triển khai hệ thống điện tử mua sắm công với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới và Liên hợp quốc.
Tại Việt Nam, UNDP đang hỗ trợ Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, số hóa các quy trình của họ để cải thiện tính minh bạch và hiệu quả, đồng thời giảm rủi ro tham nhũng.
Các ví dụ khác có thể kể đến là, UNDP đã hợp tác với chính phủ Estonia để phát triển các nền tảng chính phủ điện tử nhằm bảo đảm sự tương tác liền mạch giữa chính phủ và người dân.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, UNDP hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thông qua đào tạo và tư vấn phát triển các mô hình tích hợp nhằm cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh. Việt Nam có thể áp dụng các chiến lược tương tự để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã phát triển các dịch vụ y tế từ xa sử dụng kết nối trực tuyến giữa các cơ sở y tế, bác sĩ và bệnh nhân khác nhau để cải thiện khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế chất lượng.
Các dịch vụ này đóng vai trò quan trọng trong thời gian dịch bệnh bùng phát, giúp giảm nguy cơ lây truyền, phục vụ hiệu quả các cộng đồng ở vùng xa, duy trì khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế trong thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, kết nối bác sĩ địa phương với các chuyên gia để chẩn đoán, điều trị và theo dõi các bệnh mãn tính, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người bệnh, giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên.
Ngày nay, khoảng ba phần tư người Việt Nam sử dụng Internet. |
Tại Việt Nam, UNDP đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế để phát triển và thí điểm hệ thống y tế từ xa tuyến cơ sở “Bác sĩ cho mọi nhà”. Ban đầu, hệ thống này ra đời nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, kết nối trạm y tế xã với các cơ sở y tế tỉnh, huyện để thực hiện các hoạt động tư vấn, giám sát và tư vấn y tế chuyên môn. Sau đó, hệ thống đã được triển khai tại tám tỉnh thành ở Việt Nam, tập trung vào các tỉnh vùng sâu vùng xa, miền núi và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Đến cuối năm 2023, khoảng 3.000 nhân viên y tế đã được đào tạo về hệ thống, hơn 1,3 triệu thành viên cộng đồng đã thiết lập tài khoản và hơn 70.000 cuộc tư vấn y tế từ xa đã được thực hiện. Trong thời gian tới, “Bác sĩ cho mọi nhà” sẽ mở rộng sang chín tỉnh tiếp theo với sự hỗ trợ của Quỹ Y tế quốc tế Hàn Quốc (KOFIH) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
UNDP sẵn sàng chia sẻ thêm các bài học và mô hình được phát triển thông qua Chiến lược kỹ thuật số toàn cầu của chúng tôi mà Việt Nam có thể điều chỉnh để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia.
Bên cạnh chuyển đổi số thì chuyển đổi xanh cũng mang lại những cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Theo bà, triển vọng của quá trình này tại Việt Nam như thế nào?
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một phương tiện mạnh mẽ để Việt Nam tăng tốc tiến bộ và hoàn thành các mục tiêu SDGs vào cuối thập kỷ này. Điều này đòi hỏi một bước nhảy vọt về đầu tư và nỗ lực để kích hoạt ba yếu tố hỗ trợ mà chúng tôi đã xác định là mang tính chiến lược vì tiềm năng tạo ra các tác động tích cực tiếp nối của chúng, bao gồm cả “công nghệ kỹ thuật số và đổi mới”.
Mặc dù xếp thứ 86 trên toàn cầu về chính phủ điện tử vào năm 2022, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức như kinh phí nghiên cứu và phát triển hạn chế (0,5% GDP), khoảng cách phối hợp trong chuyển đổi kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa đầy đủ.
Việc tăng cường đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số cho kinh tế tuần hoàn có thể mang lại tiến bộ trong khoa học vật liệu và thiết kế, giảm chi phí cho nguyên liệu thô/dễ bay hơi, tạo khả năng tiếp cận thị trường mới và tạo ra nguồn doanh thu mới, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mới nhất.
Công nghệ kỹ thuật số có thể mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho các doanh nghiệp tuần hoàn phát triển mạnh, chẳng hạn như hệ thống chia sẻ và tái sử dụng, mô hình sản phẩm dưới dạng dịch vụ, tìm nguồn cung ứng nội dung tái chế (ví dụ như trong dệt may), tăng cường sự tuần hoàn sản phẩm, sử dụng tài sản thông qua định giá, dự đoán nhu cầu và phát triển chuỗi quản lý giá trị thông minh. Các công cụ như AI, dữ liệu lớn và tự động hóa sẽ tối ưu việc sử dụng tài nguyên, cải thiện tính minh bạch và thúc đẩy đổi mới.