Ngày 18/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2 với chủ đề “Đổi mới tiếp cận nâng tầm y tế Việt Nam”, được kết nối trực tuyến với các chuyên gia quốc tế.
Toàn cảnh Diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2, ngày 18/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Châu) |
Diễn đàn “Đổi mới tiếp cận nâng tầm y tế Việt Nam” do Pharma Group tổ chức mang đến những thông tin giá trị về nghiên cứu, phát minh và chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành y dược Việt Nam.
Diễn đàn quy tụ hơn 20 diễn giả hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận giải pháp phù hợp nhằm hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia phát triển ngành Y tế: TS. Mary Harney, nguyên Phó Thủ tướng và nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và Trẻ em Ireland; GS. Lee Po-Chang, Đại học Y Đài Bắc, nguyên Giám đốc Tổng cục Bảo hiểm Y tế Quốc gia, Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan (Trung Quốc); PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; GS.TS. Trần Thành Đạo, Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), TS. Junaid Bajwa; nhà khoa học trưởng tại Microsoft Research cùng các chuyên gia đầu ngành khác…
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo Quyết định 1165/QĐ-TTg mới đây do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, Chiến lược thể hiện định hướng phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của tổ chức WHO; xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm…
Để đạt được những mục tiêu, định hướng trên trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, Bộ luôn đề cao hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dược phẩm, trong đó có chia sẻ về bản quyền và công nghệ là giải pháp mũi nhọn, nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp dược trong nước phát triển và tham gia các chuỗi giá trị dược phẩm toàn cầu.
Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trong đó bao gồm việc thành lập các cơ sở sản xuất thuốc để xuất khẩu sang các quốc gia khác.
“Bộ Y tế tin rằng, dư địa để khai thác các tiềm năng thương mại trong lĩnh vực dược còn rất nhiều; cơ hội cho hợp tác và phát triển của các doanh nghiệp dược vẫn đang còn phía trước”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Châu) |
Cùng với những phần trình bày truyền cảm hứng, những phiên tham luận sôi nổi với các góc nhìn đa chiều từ các nhà khoa học, y bác sĩ, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, chương trình diễn ra với hai phiên sáng, chiều đã gợi mở cách tiếp cận mới nhằm tạo đột phá trong phát triển ngành Y-Dược: Tăng cường năng lực nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và phát triển thuốc mới; Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản lý dữ liệu đời thực (real-world data) vào R&D và nâng cao năng lực quản lý hệ thống y tế; Thu hút đầu tư bằng môi trường pháp lý, qua các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao…
Sự kiện cũng đánh dấu cột mốc năm thứ 25 Pharma Group cùng các thành viên đồng hành cùng ngành Y tế Việt Nam hướng đến mục tiêu vì một Việt Nam mạnh khỏe, phồn vinh và bền vững dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo.
Bác sĩ Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group chia sẻ: “Việt Nam có đầy đủ tiềm năng trong việc tạo ra một môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo với lực lượng lao động chất lượng cao và chăm chỉ. Dựa trên những tiềm lực sẵn có cùng việc gạn lọc những bài học kinh nghiệm từ quốc tế cũng như định nay, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu nâng tầm y tế và trở thành trung tâm khoa học, đổi mới trong khu vực.
Để bắt đầu, chúng tôi đề xuất Việt Nam có thể bắt đầu từ việc nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, triển khai chuyển đổi số trong y tế cũng như xây dựng môi trường chính sách thuận lợi cho thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”.
Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, thực tế ảo, blockchain và robot học, đã được áp dụng rộng rãi trong y tế giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người.
Ngoài ra, tiếp cận và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe còn là yếu tố quan trọng trong quá trình tái cấu trúc và cải thiện hệ thống y tế của Việt Nam, nhằm đáp ứng tốt hơn những thách thức trong tương lai.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia y tế thảo luận về vai trò của các giải pháp tăng cường đổi mới, sáng tạo, trong lĩnh vực y tế cùng với kinh nghiệm chuyển đổi số, quản trị dữ liệu y tế từ quốc tế. Bên cạnh đó, các phiên thảo luận về bối cảnh đổi mới, sáng tạo cùng với lợi ích và thách thức của chuyển đổi số trong y tế tại Việt Nam cũng được quan tâm.
Bên cạnh đó, Diễn đàn còn mở ra đối thoại về đề xuất lộ trình và chính sách để hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đối với ngành dược phẩm bao gồm định hướng Chiến lược quốc gia mới về phát triển ngành dược phẩm Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; những chia sẻ phát triển ngành Dược tại Ireland – một trong những quốc gia xuất khẩu dược phẩm hàng đầu thế giới; vai trò của việc chuyển đổi số trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành; và vận dụng những bài học kinh nghiệm từ các nền kinh tế khác để toàn cầu hóa ngành dược phẩm sinh học Việt Nam.
Các chuyên gia khẳng định đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho phát triển tại Việt Nam nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng, mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân, nhà cung cấp dịch vụ y tế và hệ thống y tế tổng thể. Đổi mới sáng tạo giúp cải thiện chất lượng chăm sóc, tăng cường tiếp cận dịch vụ, tối ưu hóa quản lý và sử dụng tài nguyên y tế, cũng như khám phá và phát triển mới trong nghiên cứu y tế.
Việc tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển, xây dựng một hệ sinh thái y tế đa dạng, củng cố năng lực và nhân lực y tế, cùng với việc thúc đẩy quan hệ đối tác và định hướng giải pháp, sẽ đóng góp vào việc xây dựng một lĩnh vực y tế ở Việt Nam trở nên năng động, sáng tạo và có khả năng chống chịu, nhằm giải quyết được các thách thức y tế trong tương lai.