Tập trung mạnh mẽ cho tăng tốc R&D là điều quan trọng định hình vị thế của Việt Nam trong những thập niên tới.

R&D là mảnh ghép then chốt

Sau gần 40 năm đổi mới toàn diện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, tạo nền tảng và động lực để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao tăng trưởng của thế giới. Nhưng để tiếp tục tỏa sáng và vươn xa trong Kỷ nguyên CMCN 4.0, Việt Nam cần tập trung mạnh mẽ vào năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Nếu chậm, Việt Nam có nguy cơ rơi vào thế kẹt của "chiếc bánh sandwich"- không thể cạnh tranh về chi phí sản xuất với các nước đi sau và cũng chưa đủ sức cạnh tranh về công nghệ với các nước đi trước.

Mặc dù đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nhưng R&D vẫn là một "mảnh ghép xám màu". Đầu tiên, tổng mức đầu tư cho R&D (tính cả ngân sách và doanh nghiệp) còn quá thấp, chưa đến 0,7% GDP, thấp hơn các nước trong khu vực. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với Trung Quốc (2,68% GDP năm 2024). Khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng vẫn còn rất lớn, dẫn đến nhiều kết quả nghiên cứu không được thương mại hóa, không chuyển hóa thành sản phẩm thực tiễn để tạo ra giá trị kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

Bên cạnh đó, nhân lực R&D của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ nhân lực R&D chưa đến 10 người trên 1 vạn dân - chỉ bằng 7,6% của Hàn Quốc, 13% của Pháp, 29,8% của Malaysia và 58% của Thái Lan. Đáng chú ý, hơn 84% nhân lực R&D của Việt Nam tập trung ở khu vực nhà nước, trong khi khu vực ngoài nhà nước - động lực chính của đổi mới sáng tạo - chỉ chiếm chưa đầy 14%.

Hệ thống đào tạo nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, với tỷ lệ dân số từ 18 đến 29 tuổi học đại học chỉ đạt dưới 29% - thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên 50% của các quốc gia có thu nhập trung bình cao. 

Đồng thời, Việt Nam thiếu vắng các đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp có năng lực triển khai các dự án R&D tầm cỡ toàn cầu. Môi trường hoạt động R&D cũng chưa đủ hấp dẫn, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám khi nhiều tài năng R&D tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.

dien tu binh minh 1.jpg
 Khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng vẫn còn rất lớn. Ảnh: Bình Minh

Một rào cản lớn khác là hệ sinh thái R&D của Việt Nam vẫn rời rạc, thiếu sự gắn kết. Hiện nay, Chính phủ chủ yếu đóng vai trò quản lý, trong khi các doanh nghiệp lớn hoạt động riêng lẻ mà chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học. Đặc biệt, Việt Nam chưa tận dụng hiệu quả sự tham gia của các tập đoàn công nghệ toàn cầu để kết nối dòng chảy tri thức và công nghệ quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển nhân tài và gia tăng đầu tư vào R&D.

Chiến lược tăng nhanh đầu tư cho R&D tạo nền tảng tăng tốc

Mục tiêu nâng tỷ lệ chi cho R&D lên 2% GDP vào năm 2030 không chỉ là một định hướng mà là yêu cầu bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đầu tư vào R&D không chỉ phản ánh năng lực đổi mới sáng tạo của một quốc gia mà còn là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vươn lên nhóm các quốc gia công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể và quyết liệt, tập trung vào ba trụ cột chính: tăng chi tiêu cho R&D từ ngân sách nhà nước, thúc đẩy doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư mạnh vào R&D và thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba hướng đi này sẽ tạo cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy hệ sinh thái R&D phát triển đột phá, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.

Tăng chi ngân sách nhà nước cho R&D: Nền tảng cho đổi mới và năng lực cạnh tranh quốc gia

Tăng chi ngân sách nhà nước cho R&D không chỉ là bước khởi đầu mà còn là nền tảng quan trọng để tạo ra những đột phá công nghệ trong tương lai. Đây là minh chứng cho thấy cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong đầu tư dài hạn vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo niềm tin, thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia sâu vào quá trình đổi mới công nghệ.

Kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến cho thấy đầu tư công vào R&D có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Israel dành hơn 1% GDP từ ngân sách nhà nước để tài trợ trực tiếp cho các dự án nghiên cứu, góp phần xây dựng hệ sinh thái công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Hàn Quốc sử dụng ngân sách nhà nước để phát triển các trung tâm nghiên cứu quốc gia và tài trợ mạnh mẽ cho các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, vật liệu bán dẫn, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân gia tăng đầu tư R&D và tạo động lực lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế.

Để đạt được bước tiến tương tự, Việt Nam cần tăng ngân sách nhà nước cho R&D từ khoảng 0,2% lên mức 0,5% GDP vào năm 2025 và đạt mức cao hơn vào năm 2030. Đây không chỉ là dấu hiệu của một cam kết mạnh mẽ từ Nhà nước mà còn là đòn bẩy quan trọng để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp và đội ngũ các nhà nghiên cứu tham gia mạnh mẽ vào việc phát triển công nghệ.

Thúc đẩy doanh nghiệp nội địa lớn đầu tư R&D: Động lực để Việt Nam bứt phá công nghệ

Những doanh nghiệp nội địa lớn không chỉ sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ mà còn có nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực quản lý để triển khai các dự án R&D quy mô lớn. Khi những doanh nghiệp này đầu tư mạnh vào R&D, họ không chỉ tạo ra đột phá công nghệ mà còn kéo theo cả chuỗi giá trị trong nước cùng phát triển, lan tỏa đến cả nền kinh tế.

Ưu đãi thuế là công cụ quan trọng để giảm gánh nặng tài chính, giúp các doanh nghiệp lớn tập trung nguồn lực vào R&D. Các chính sách như khấu trừ chi phí R&D hoặc áp dụng thuế suất thấp hơn hẳn cho các dự án công nghệ cao sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào AI, năng lượng tái tạo và các công nghệ mũi nhọn.

Nhân tài chính là yếu tố quyết định thành công trong phát triển R&D. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với bài toán chảy máu chất xám, khi nhiều chuyên gia AI và dữ liệu lớn chọn làm việc tại Singapore, Nhật Bản hoặc Mỹ, nơi họ có mức lương cao hơn, môi trường và cơ hội phát triển tốt hơn.

Theo đó, Nhà nước, một mặt, cần hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa lớn thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ cao, mặt khác, hợp tác với các doanh nghiệp lớn để xây dựng chương trình đào tạo công nghệ chuyên sâu. Hàn Quốc từng thành công khi hỗ trợ Samsung hợp tác với các trường đại học vào thập niên 1990, đào tạo một thế hệ kỹ sư tài năng, góp phần đưa Samsung trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Để các doanh nghiệp nội địa lớn trở thành động lực chính cho tăng trưởng R&D và vươn ra toàn cầu, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể, gồm: ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư công nghệ; cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy môi trường đổi mới; phát triển nhân tài công nghệ cao để xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.

Khi chính sách được thiết kế linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các doanh nghiệp nội địa lớn sẽ đóng vai trò "đầu tàu", kéo theo hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hệ sinh thái công nghệ, tạo ra sức bật mạnh mẽ để Việt Nam bước vào nhóm quốc gia công nghệ cao trên thế giới.

Thu hút tập đoàn công nghệ toàn cầu: Chìa khóa để Việt Nam trở thành trung tâm R&D khu vực

Việc thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu đầu tư vào R&D không chỉ giúp Việt Nam gia tăng nguồn lực tài chính cho R&D mà quan trọng hơn, còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển nhân tài địa phương. Một minh chứng rõ nét là Trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD của Samsung tại Hà Nội, không chỉ tập trung nghiên cứu công nghệ mới mà còn đào tạo hàng nghìn kỹ sư Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ trong nước.

Cần cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu thấy Việt Nam là điểm đến tối ưu về chi phí và hiệu quả nghiên cứu. Một số giải pháp mạnh mẽ có thể áp dụng, bao gồm: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10-15 năm đầu cho các trung tâm R&D lớn; giảm thuế suất mạnh mẽ cho các khoản đầu tư vào công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn; giảm tối đa rào cản thủ tục hành chính,... 

Khi Việt Nam có thể tạo ra một môi trường hội tụ cả ưu đãi thuế hấp dẫn, thủ tục hành chính thuận lợi, nguồn nhân tài dồi dào - không chỉ từ trong nước mà còn từ toàn cầu - thì các tập đoàn công nghệ sẽ coi Việt Nam là điểm đến hàng đầu để mở rộng hoạt động R&D.

Chiến lược "Đứng trên vai người khổng lồ": Tận dụng tối đa trí tuệ toàn cầu để tăng tốc

make in viet nam.jpg
 Việt Nam cần cơ chế đặc biệt để thu hút nhân tài quốc tế trong phát triển R&D. Ảnh: Mạnh Hưng

Đầu tư mạnh tay là điều kiện cần, nhưng nhân tài mới là yếu tố quyết định sự thành bại trong phát triển R&D. Với xuất phát điểm thấp, tích lũy tri thức còn hạn chế và kinh nghiệm R&D khiêm tốn, Việt Nam cần tận dụng tối đa trí tuệ toàn cầu để rút ngắn khoảng cách, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nhanh chóng bắt kịp các quốc gia phát triển.

Thu hút chuyên gia hàng đầu thế giới: Bệ phóng để bắt kịp công nghệ tiên tiến

Một trong những cách nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách công nghệ là chủ động mời các chuyên gia hàng đầu thế giới đến Việt Nam làm việc, dẫn dắt các dự án lớn và đào tạo đội ngũ nhân lực trẻ. Việc này sẽ giúp: nhanh chóng tiếp cận tri thức khoa học tiên tiến và áp dụng vào thực tế; kết nối đội ngũ R&D trong nước với cộng đồng khoa học toàn cầu; hình thành mô hình "truyền nghề", tạo môi trường học hỏi trực tiếp, nơi các chuyên gia quốc tế trực tiếp hướng dẫn và phát triển thế hệ tài năng trẻ Việt Nam.

Để thực hiện điều này, Việt Nam cần cơ chế đặc biệt để thu hút nhân tài quốc tế, bao gồm: cấp visa dài hạn để tạo điều kiện làm việc thuận lợi; ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, giảm rào cản tài chính khi chuyên gia quốc tế đến Việt Nam; hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu, giúp họ dễ dàng triển khai các dự án R&D trọng điểm.

Phát huy nguồn nhân tài Việt Nam ở nước ngoài: Lực lượng nòng cốt để phát triển R&D

Do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam có một lực lượng lớn nhân tài đang làm việc tại các trung tâm R&D hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc. Đây là nguồn lực quý giá mà Việt Nam cần tận dụng để: thu hút họ về nước làm việc trong các dự án chiến lược; xây dựng cơ chế hợp tác từ xa, cho phép họ đóng góp mà không cần di chuyển; tạo động lực hấp dẫn, bao gồm môi trường làm việc cạnh tranh, quyền lợi xứng đáng và cơ hội cống hiến lâu dài.

Chiến lược xây dựng hệ sinh thái R&D mở: Kết nối trí tuệ toàn cầu để bứt phá

Một hệ sinh thái R&D hiệu quả không thể hoạt động tách biệt mà cần kết nối với thế giới để tận dụng dòng chảy tri thức, công nghệ và vốn đầu tư để phát triển bền vững. Hiện tại, hệ sinh thái R&D của Việt Nam còn rời rạc, tách biệt không chỉ thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu - doanh nghiệp - trường đại học mà còn chưa tích hợp sâu với mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Điều này khiến Việt Nam chưa tận dụng được sức mạnh của các tập đoàn công nghệ lớn trong việc đào tạo và phát triển nhân tài R&D nội địa.

Các nhà nghiên cứu giỏi không chỉ bị thu hút bởi mức lương cao mà quan trọng hơn, họ cần một hệ thống hỗ trợ toàn diện, bao gồm: cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ; môi trường làm việc minh bạch, đề cao giá trị sáng tạo và đổi mới; cơ hội hợp tác với mạng lưới khoa học công nghệ toàn cầu, thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia.

Trên tất cả, Nhà nước cần đóng vai trò cầu nối, chủ động tạo điều kiện để các ý tưởng đổi mới có thể thương mại hóa.

Khi doanh nghiệp, Chính phủ và giới nghiên cứu cùng đồng hành trong một chiến lược thống nhất, Việt Nam sẽ thoát khỏi mô hình sản xuất giá rẻ để chuyển mình trở thành quốc gia dẫn đầu đổi mới sáng tạo trong tương lai.

Hơn bao giờ hết, đây là lúc Việt Nam cần triển khai một chiến lược đại cải cách R&D sâu rộng với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để tạo ra bước ngoặt thực sự. Cải cách phải được thực hiện đồng bộ trên ba trụ cột cốt lõi: đầu tư mạnh tay vào R&D, đảm bảo nguồn lực đủ lớn để tạo đột phá; loại bỏ mọi rào cản, xây dựng môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; kết nối trí tuệ toàn cầu, thu hút và giữ chân những bộ óc xuất sắc nhất. 

TS. Phạm Mạnh Hùng - PGS.TS. Tô Thế Nguyên - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN