Việt Nam xuất khẩu trái nhãn đạt hơn 14 triệu USD trong năm ngoái, tăng gần 2,5 lần so với năm 2022, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan.
Đây là loại trái cây có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn thứ hai trong năm 2023, sau sầu riêng. Trong đó, Trung Quốc, Australia, Thái Lan và Nhật Bản là những nước “chuộng” trái nhãn Việt nhất.
Với thị trường Thái Lan, năm ngoái, Tập đoàn Central Retail – đại gia bán lẻ của nước này – cũng đẩy mạnh xuất khẩu nhãn Việt sang Thái. Ông Paul Le, Phó chủ tịch Central Retail tại Việt Nam, cho biết người tiêu dùng Thái Lan rất thích trái nhãn của Việt Nam. Sản lượng nhãn được tập đoàn này xuất khẩu sang Thái năm 2023 tăng khoảng 40% so với 2022.
Năm 2023, giá nhãn xuất khẩu của Việt Nam ổn định. Hiện, giá nhãn Ido – một giống nhãn từ Thái Lan – được các thương lái mua tại vườn dao động 16.000-18.000 đồng một kg. Với mức giá này, nông dân thu lãi 8-15 triệu đồng một sào (1.000 m2).
Đánh giá về tiềm năng của quả nhãn thời gian tới, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trái nhãn Việt nhiều nhất và nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này rất lớn. Do đó, nếu tận dụng được lợi thế và nâng cao tiêu chuẩn với hàng xuất khẩu, quả nhãn của Việt Nam sẽ ngày càng thu hẹp khoảng cách với nhãn Thái tại thị trường tỷ dân này.
Hiện, nhãn nằm trong top 5 cây ăn quả có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 80.000 ha và sản lượng bình quân khoảng 600.000 tấn một năm.
Thi Hà