Từ ngày 10-13/2/2025, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về AI tại Paris, Pháp. Sự kiện do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì, quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao và các tập đoàn công nghệ lớn như OpenAI, Microsoft, Google.

Sự tham gia của Việt Nam khẳng định vai trò tích cực trong cộng đồng AI quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác, học hỏi và ứng dụng AI vào phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Trung Quốc, Pháp và Ấn Độ nằm trong số những nước ký tuyên bố chung AI Paris, kêu gọi tăng cường phối hợp quản lý trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi có sự “đối thoại toàn cầu” và kêu gọi tránh tình trạng “tập trung thị trường”, để mở ra cơ hội tốt nhất cho việc tiếp cận công nghệ.

476772171_595207370158726_3989875316058376130_n.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về AI tại Paris, Pháp. Ảnh: MIC

Thay đổi cách tiếp cận với AI

Hội nghị tại Paris tập trung vào năm chủ đề quan trọng: AI vì lợi ích công cộng, việc làm, đầu tư, đạo đức và quy định. Với hàng loạt thông báo đầu tư vào AI được công bố, hội nghị năm nay đánh dấu một bước chuyển từ các cuộc thảo luận về an toàn sang các hành động cụ thể.

Đây cũng là lần thứ ba thế giới tổ chức một hội nghị cấp cao về trí tuệ nhân tạo, sau hội nghị tại Bletchley Park (Anh Quốc) và Seoul (Hàn Quốc). Điều đáng chú ý là sự thay đổi trong cách tiếp cận: từ "AI Safety Summit" (Hội nghị An toàn AI) thành "AI Summit" (Hội nghị AI), và nay là "AI Action Summit" (Hội nghị Hành động về AI).

Hội nghị quốc tế này đã quy tụ nhiều nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao, CEO và các nhà khoa học của các nước, trong đó có thể kể đến chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh.

477115366_595210723491724_6288099076418320400_n.jpg
Sự tham gia của Việt Nam khẳng định vai trò tích cực trong cộng đồng AI quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác, học hỏi và ứng dụng AI vào phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Ảnh: MIC

Trên kênh truyền hình quốc gia France 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: "Chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng công nghệ và khoa học hiếm thấy". Ông nhấn mạnh Pháp và châu Âu phải nắm bắt cơ hội này, bởi AI sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn, học tốt hơn, làm việc tốt hơn, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, và nhiệm vụ của chúng ta là đặt AI phục vụ con người.

Hội nghị thượng đỉnh AI tại Paris còn có sự góp mặt của các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft và OpenAI, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của AI trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, môi trường và văn hóa.

Trong khuôn khổ sự kiện, sáng kiến đối tác công - tư toàn cầu "Current AI" đã được thông qua để làm nền tảng hỗ trợ những dự án quy mô lớn phục vụ lợi ích cộng đồng.

"Đây là lần đầu tiên thế giới có một cuộc thảo luận quốc tế quy mô lớn như vậy về tương lai của AI. Tôi xem đây là một thời điểm mang tính định hướng", bà Linda Griffin, Phó chủ tịch chính sách công của Mozilla, nhận định.

Ông Nick Reiners, nhà phân tích cấp cao về công nghệ địa chính trị tại Eurasia Group, cũng cho rằng hội nghị mang lại cơ hội định hình cách quản trị AI theo một hướng mới, tránh tập trung quyền lực vào một số ít tập đoàn tư nhân và hướng đến AI phục vụ lợi ích công cộng.

476634048_595209766825153_1406803888698443151_n.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương tham quan gian hàng của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh: MIC

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh đến “nhu cầu cần có các quy tắc” và một khuôn khổ đáng tin cậy để hỗ trợ phát triển AI. Lãnh đạo nước chủ nhà cho biết, thế giới cần tiếp tục thúc đẩy chính sách quản trị quy mô quốc tế về AI.

Trong khuôn khổ sự kiện, ông Macron đã kêu gọi các nước châu Âu tăng tốc tránh tụt hậu, thông qua vạch ra một "lộ trình hành động rõ ràng", thu hút các tài năng và ưu tiên sử dụng năng lượng phát thải thấp.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo nước Pháp cũng tự tin điện hạt nhân là giải pháp năng lượng bền vững cho phát triển trí tuệ nhân tạo. “Trong lúc một người bạn tốt ở bên kia Đại Tây Dương khuyến khích khoan thêm dầu khí, thì ở đây chúng tôi không cần phải khoan, điện đã sẵn sàng, các bạn chỉ cần nối mạng”, Tổng thống Pháp nói.

Tuyên bố chung phản ánh nhu cầu nâng cao nhận thức về tác động của AI với thị trường lao động và thúc đẩy các công nghệ định hình tích cực tương lai của ngành.

Các bên ký kết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp trong quản lý AI và ngăn chặn tình trạng độc quyền thị trường để AI dễ tiếp cận hơn, nêu bật nhu cầu phải đạt tiến triển trong đảm bảo tính bảo mật và độ tin cậy của AI, trong đó AI “bền vững” với xã hội và thế giới phải là ưu tiên hàng đầu.

Các nguồn tin cho biết, Mỹ và Anh đã không ký tuyên bố cuối cùng của hội nghị, với lý do lợi ích quốc gia và lo ngại về quy định. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị khẳng định, Washington vẫn quan tâm đến việc hợp tác quốc tế về AI, dù cảnh báo các khuôn khổ quản trị quốc tế “phải thúc đẩy đổi mới thay vì kìm hãm AI”.

Hội nghị thượng đỉnh AI Paris: Chúng ta không nên sợ sự đổi mớiHội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra tại Paris cho thấy những nỗ lực kiềm chế sự phát triển của AI đã hạ nhiệt.