Việt Nam tăng 11 bậc về chỉ số hạnh phúc

Báo Dân SinhBáo Dân Sinh21/01/2025

(LĐXH) - Những năm gần đây, xếp hạng chỉ số hạnh phúc của Việt Nam trên thế giới đã tăng vượt bậc.


Điều này không chỉ minh chứng cho nỗ lực bảo đảm quyền con người mà còn thể hiện sự tin tưởng của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc

Với quan điểm “dân là gốc”, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để mọi người dân được sống trong xã hội hạnh phúc và được bảo đảm mọi mặt về quyền con người.

Việt Nam tăng 11 bậc về chỉ số hạnh phúc - 1
Cô, trò mầm non của điểm trường làng Nủ mới phấn khởi chăm sóc hoa. (Ảnh VGP).

Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm. GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm 2022, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD;

GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm.

Từ chỗ thiếu lương thực, nay trở thành cường quốc xuất khẩu gạo và được đánh giá là điểm sáng về công tác giảm nghèo. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%. Tính đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc là 1,93%, giảm 1%.

Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người dân, Việt Nam tập trung làm tốt công tác hỗ trợ xã hội. Trong đó, bên cạnh chủ trương, chính sách hỗ trợ thường xuyên, định kỳ, các chương trình hỗ trợ đột xuất, kịp thời với tình hình thực tiễn cũng đã góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ người dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn như trong thiên tai, lũ lụt…

Theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng năm 2024, cả nước thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.080.582 người có công với cách mạng với số tiền khoảng 20.700 tỷ đồng.

Hiện cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,8 triệu người (khoảng 3,38% dân số); hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho 389.000 hộ, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng ngân sách chi trả trợ cấp xã hội khoảng 32.000 tỷ đồng/năm.

Cả nước có hơn 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,4 triệu người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 10.000 người đang nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội;

95% người cao tuổi có thẻ BHYT, 32% được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu; 85% người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng.

Cũng trong 9 tháng năm 2024, các chương trình tín dụng đã hỗ trợ vay vốn cho trên 1,8 triệu đối tượng, tạo việc làm cho hơn 533.000 lao động. Thị trường lao động, việc làm tiếp tục khởi sắc; tỷ lệ thất nghiệp là 2,26%, giảm 0,02%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,99%, giảm 0,03%...

Việt Nam tăng 11 bậc về chỉ số hạnh phúc - 2

Công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt cũng là điểm nhấn góp phần mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân như: hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, thương binh, gia đình liệt sĩ...

Tính đến cuối năm 2023, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội. 

Chính sách BHXH, BHYT, chăm sóc sức khỏe người dân, cung cấp nước sạch, điện… được chú trọng triển khai thực hiện với những kết quả tích cực.

Tính đến ngày 1/6/2024, toàn quốc có số người tham gia BHXH đạt 17,414 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,253 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHYT đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam có 47 bệnh viện cấp trung ương, 419 bệnh viện cấp tỉnh, 684 bệnh viện cấp huyện và 100% xã có trung tâm y tế để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Tuổi thọ trung bình cũng tăng nhanh, năm 2023 là 73,7 tuổi, được xếp vào nhóm cao trong các quốc gia có mức thu nhập tương đương.

Với những nỗ lực vì con người, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 11 bậc.

Cụ thể, theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 54, cải thiện tích cực so với vị trí 65 của năm 2023. Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6. Cuối tháng 10/2024, Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất được các nước G7 mời thực hiện báo cáo điển hình về thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay.

Nỗ lực thúc đẩy, đảm bảo quyền con người

Việt Nam tăng 11 bậc về chỉ số hạnh phúc - 3
Ngày 22/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. (Ảnh VGP).

Tại Việt Nam, người dân được tự do làm những việc mà pháp luật không cấm. Vấn đề tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do Internet… luôn được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. 

Mọi người dân đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào; đời sống tín ngưỡng, tôn giáo vô cùng đa dạng, phong phú. Nhà nước tạo mọi điều kiện để tín ngưỡng, tôn giáo được hoạt động, phát triển.

Tổng số tín đồ các tôn giáo khoảng 26,5 triệu, chiếm 27% dân số; trên 54.000 chức sắc; trên 135.000 chức việc; hơn 29.000 cơ sở thờ tự; hàng nghìn điểm, nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng internet; 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73,3% tổng dân số; 168,5 triệu kết nối di động, tương đương 169,8% tổng dân số. 

Nhà nước tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tự do làm giàu chính đáng; tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật và phát triển đất nước dù công dân đó đang ở trong hay ngoài nước.

Mọi người dân đều được hưởng lợi về chính sách giáo dục. Tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 độ tuổi 15 đạt 98,55% và 60 đạt 96,70%. Hệ thống giáo dục quốc dân phát triển, được UNESCO đánh giá xếp thứ 64/127 nước trên thế giới, bảo đảm cho mọi công dân được thụ hưởng nền giáo dục công bằng, tiến bộ.

Theo Báo cáo Phát triển con người của UNDP, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc so với kỳ trước, từ 115 lên vị trí 107/193 quốc gia;

Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2024 tăng 1 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/166. Việt Nam hiện là thành viên và tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6/2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ hạng 83 lên 72 trong 146 nước tham gia xếp hạng.

Đặc biệt, lĩnh vực chính trị, Việt Nam tăng 17 bậc so với năm 2022, từ thứ hạng 106 lên thứ hạng 89, trong đó tỷ lệ nữ tham chính xếp hạng 53.

Trong Báo cáo Quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, do Bộ Ngoại giao công bố cho thấy, từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 44 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việt Nam tích cực đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, xác định mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ cơ sở giáo dục, đào tạo các cấp tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người.

Đánh giá về những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam, GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho rằng, việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam thể hiện rõ ở những khía cạnh như đảm bảo bình đẳng giới, các mục tiêu phát triển bền vững, y tế cộng đồng, giáo dục, cách đối xử với các dân tộc thiểu số, cộng đồng LGBT... 

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ



Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/viet-nam-tang-11-bac-ve-chi-so-hanh-phuc-20250120110522641.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available