Cơ quan chức năng trong nước phối hợp với các nước đối tác đưa 338 người Việt mắc kẹt tại vùng giao tranh phía bắc Myanmar về nước an toàn hôm 4/12.
Trong bối cảnh tình hình Myanmar đang xảy ra giao tranh và có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam tiếp tục phối hợp với chính quyền sở tại và các nước đối tác để đưa công dân về nước. Toàn bộ chi phí hồi hương đều được chính phủ Việt Nam chi trả.
Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã thống kê được hơn 800 người là công dân Việt Nam, được cấp giấy tờ đi lại và đủ điều kiện đưa về nước trong đợt này. Phần lớn là thanh niên trẻ, trong đó có cả thiếu niên, trẻ em sơ sinh và phụ nữ mang thai, ra nước ngoài làm việc trong những cơ sở đánh bạc trực tuyến ở các bang phía bắc Myanmar, bị chủ lao động bỏ rơi và bị mắc kẹt do giao tranh giữa quân đội Myanmar và các dân tộc thiểu số ở khu vực này.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao”, không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử lao động.
Công dân cần tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm dự kiến làm việc, thân nhân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng trước khi quyết định việc xuất cảnh ra nước ngoài.
Liên minh Huynh đệ, gồm các nhóm nổi dậy Quân đội Arakan (AA), Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA) hôm 27/10 phát động Chiến dịch 1027, tấn công loạt căn cứ của quân đội Myanmar ở bang Shan, khu vực gần biên giới với Trung Quốc.
Đây được coi là đợt tấn công lớn nhất của các nhóm phiến quân chống lại chính quyền quân sự Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.
Giao tranh giữa Liên minh Huynh đệ và quân đội Myanmar kích động thêm các nhóm phiến quân khác tham gia tấn công chính quyền. Các cuộc xung đột ở Myanmar đã kéo dài nhiều tuần, lan rộng ra cả khu vực phía đông và tây đất nước.
Công dân Việt Nam còn mắc kẹt hoặc cần giúp đỡ liên hệ theo số đường dây nóng:
– Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar: +959660888998
– Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84, +84 965 41 11 18.
– Email: [email protected]
Vnexpress.net