Báo chí thế giới đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, đồng thời cho biết, Việt Nam đã vạch ra những định hướng rõ ràng, cụ thể cùng các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy ngành này.
Việt Nam tung ưu đãi để thu hút công ty nước ngoài sản xuất chip
Tờ Nikkei Asia đưa tin, Việt Nam đã cam kết giảm thuế và đưa ra nhiều ưu đãi cho các công ty bán dẫn nước ngoài nhằm giúp phát triển lĩnh vực này ở trong nước.
Nikkei Asia trích dẫn nội dung một cuộc trả lời phỏng vấn, trong đó Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, chiến lược quốc gia về sản xuất chip của Việt Nam sẽ bao gồm các khoản tài trợ cho ngành thông qua quỹ khoa học và hoạt động nghiên cứu chung của nhà nước với các công ty tư nhân như FPT. Các tập đoàn từ Nvidia đến Samsung đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh chip tại Việt Nam. Việt Nam dự kiến, sẽ tiếp nhận hàng triệu USD từ Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ, đồng thời là nơi đặt nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất toàn cầu của Intel.
Việt Nam cần đạt được các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia thống trị lĩnh vực chip. Việt Nam dự kiến, sẽ nới lỏng các chính sách để thu hút chuyên gia nước ngoài, vốn đang phải đối mặt với tình trạng giấy phép lao động bị chậm lại gần đây.
Để đạt được mục tiêu đó, các trường đại học đang triển khai các khóa đào tạo về bán dẫn với sự hợp tác của các nhà tuyển dụng như Samsung. Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn vào năm 2030.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, ông Jose Fernandez, nói với Nikkei Asia rằng, Việt Nam đã thu hút hàng chục công ty trong lĩnh vực bán dẫn và nhiều công ty Mỹ khác sẽ nhảy vào nếu Việt Nam có đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu xanh của những công ty này.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Fernandez cho biết, rất nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn có được khả năng lắp ráp, thử nghiệm cũng như đóng gói chip của Việt Nam, và Việt Nam có “tiềm năng trở thành một cường quốc”.
Thứ trưởng Fernandez nói thêm, Việt Nam là mục tiêu hàng đầu của các khoản trợ cấp theo Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ và đây sẽ là “biểu tượng” của sự tin tưởng. Số tiền chính xác tính theo USD sẽ được tính toán dựa trên báo cáo đánh giá dự kiến trong tháng 2.2024.
Trang Verdict của Anh đưa tin về việc Việt Nam công bố chiến lược quốc gia về bán dẫn. Verdict cũng nhắc lại rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9.2023 đã công bố quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.
Gần đây hơn, một số công ty Mỹ đã bày tỏ mong muốn đầu tư tới 8 tỉ USD vào ngành công nghiệp chip và năng lượng sạch của Việt Nam nếu nhận được sự hỗ trợ về mặt pháp lý.
Định vị chiến lược cho sự gia tăng đầu tư vào chất bán dẫn
Việt Nam đang định vị chiến lược gia tăng đầu tư vào chất bán dẫn bằng cách tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, thực hiện các cơ chế chính sách, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng chiến lược và đào tạo lực lượng lao động lành nghề – tờ Borneo Bulletin của Brunei viết.
Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và hợp tác với hai tập đoàn thiết kế chip lớn nhất Mỹ là Synopsys và Cadence để thành lập một trung tâm nghiên cứu và thiết kế chip trong cơ sở của NIC.
Sự chuẩn bị của các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng. Cải thiện cơ sở hạ tầng đất đai cho các doanh nghiệp bán dẫn là ưu tiên hàng đầu.
Đồng thời, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay ngày càng được tăng cường. Ưu tiên cũng được đặt ra trong việc chuẩn bị các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, điện, nước và cơ sở hạ tầng xã hội cho lực lượng lao động trong ngành bán dẫn.
Những sự chuẩn bị này nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư chất bán dẫn và quyết tâm tham gia tích cực vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu – tờ Borneo Bulletin viết./.
laodong.vn