Intel sẽ tiếp tục gắn bó và đầu tư vào Việt Nam thời gian tới?

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ18/02/2025

Tính đến nay Intel đã đầu tư hơn 1,5 tỉ USD tại Việt Nam và vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư khi nâng cấp nhà máy và áp dụng công nghệ mới.


Intel mở rộng mạng lưới nhà cung cấp tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Việt Nam luôn là một điểm đến mà tôi mong muốn được ghé thăm. Đây là một quốc gia năng động với nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Ông HANS CHUANG (phó chủ tịch, tổng giám đốc Khối kinh doanh và marketing Intel châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản)

Ông KENNETH TSE - phó chủ tịch, tổng giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông nói: Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường cũng như gia tăng đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam. Intel Việt Nam hướng tới việc tạo ra một tương lai bền vững cho cả Intel và Việt Nam. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án bán dẫn công nghệ cao của Việt Nam:.

Điều chình chiến lược nhưng tiếp tục đầu tư

* Intel sẽ tiếp tục gắn bó và đầu tư vào Việt Nam thời gian tới?

- Tính đến nay Intel đã đầu tư hơn 1,5 tỉ USD tại Việt Nam và vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư khi nâng cấp nhà máy và áp dụng công nghệ mới.

Tuy nhiên với bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện tại cũng như tình hình nội bộ của công ty, chúng tôi đang tạm thời hoãn một số khoản đầu tư và điều chỉnh chiến lược. Nhưng xét về dài hạn, Intel vẫn có ý định tiếp tục đầu tư. 

Tất nhiên quyết định này sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường. Đây cũng là điều bình thường đối với bất kỳ công ty sản xuất bán dẫn nào.

* Trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành cuối năm 2024, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Intel đánh giá thế nào về tham vọng này khi cho đến hiện tại Việt Nam mới chỉ có duy nhất một nhà máy đóng gói, kiểm thử là của Intel mà thôi?

- Theo quan điểm cá nhân tôi, với kinh nghiệm làm việc trong mảng sản xuất bán dẫn từ 7 - 10 năm trước và kinh nghiệm điều hành tại nhà máy, tôi thấy tham vọng của Chính phủ Việt Nam rất hợp lý.

Dĩ nhiên điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhiều thay đổi và hợp tác chặt chẽ. Nhưng về tổng thể, tôi tin rằng kế hoạch này hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên đây sẽ là một hành trình dài và cần có sự hợp tác giữa nhiều bên. Chính phủ hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không thể thực hiện nó một mình.

* Intel sẽ tham gia hỗ trợ hay đóng góp gì trong kế hoạch này không?

- Từ góc nhìn của Intel, khi chúng tôi lần đầu vào Việt Nam, điều quan trọng nhất là phát triển nhân lực. Chúng tôi đã hợp tác với Đại học bang Arizona (Mỹ) cũng như chính quyền địa phương và các trường đại học trong nước để xây dựng đội ngũ nhân sự có chuyên môn. 

Tôi nghĩ đây là bước khởi đầu quan trọng và cần thiết để ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam có thể phát triển vững chắc.

Trong khi đó với vai trò là một cơ sở sản xuất tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực thông qua các chương trình học bổng, thực tập và cơ hội việc làm. Nhìn lại kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi đã đào tạo khoảng 8.000 - 10.000 kỹ sư và kỹ thuật viên.

Ngoài ra Intel đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ (MoU) với các trường đại học, bao gồm Trường đại học Bách khoa TP.HCM, để tập trung đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng tôi cũng đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để phổ cập về AI và chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho tương lai.

Bên cạnh đó với sự hiện diện trên toàn cầu, chúng tôi có cơ hội học hỏi từ các quốc gia khác và áp dụng những phương pháp tốt nhất. Trong nhiều trường hợp chúng tôi cũng hợp tác với Chính phủ để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ ngành công nghệ cao. 

Đây là yếu tố quan trọng vì ngành bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư lớn và các chính sách về môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của ngành.

Intel mở rộng mạng lưới nhà cung cấp tại Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Kennth Tse - phó chủ tịch, tổng giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam - Ảnh: ĐỨC THIỆN

* Ông nhắc đến môi trường đầu tư và chính sách thu hút đầu tư. Theo ông, Việt Nam cần cải thiện gì để thu hút được thêm các công ty lớn trên toàn cầu?

- Theo quan sát của tôi, Việt Nam đang làm rất tốt trong việc tiếp cận và thu hút đầu tư. Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi, một đề xuất mà tôi cho rằng có thể mang lại hiệu quả cao là việc thiết lập quy trình "một cửa" (one-stop-shop).

Nếu có một bộ hoặc một đại diện duy nhất phụ trách hỗ trợ các nhà đầu tư xử lý các yêu cầu liên quan đến hạ tầng và ngành công nghiệp khác nhau, quá trình đầu tư sẽ trở nên suôn sẻ hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Intel thuận lợi trong giai đoạn đầu khi đầu tư vào Việt Nam.

* Đánh giá của ông về vai trò và vị trí của Việt Nam trong sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu ngành bán dẫn hiện nay?

- Tôi có thể nói rằng chuỗi cung ứng toàn cầu đã thay đổi đáng kể sau đại dịch COVID-19, khi các ngành công nghiệp nhận ra những rủi ro của việc tập trung quá nhiều nguồn lực vào một khu vực. 

Tôi tin rằng Việt Nam đang ở trong một vị trí mạnh mẽ để tận dụng sự chuyển dịch này và chúng ta đã bắt đầu chứng kiến chuyển động đáng kể theo hướng đó.

Từ góc độ của Intel, chúng tôi cam kết tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Trước đây nhiều linh kiện phải được nhập khẩu từ bên ngoài, nhưng chúng tôi đang mở rộng mạng lưới nhà cung cấp tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, là một trong những công ty tiên phong trong ngành công nghệ cao, chúng tôi chủ động tìm kiếm các phương thức để thúc đẩy sự phát triển này thông qua việc hợp tác với Chính phủ tổ chức các hội nghị nhà cung cấp. 

Điều này sẽ giúp chúng tôi thu hút các nhà cung cấp có thể quan tâm đến Việt Nam và tạo điều kiện để Chính phủ và các doanh nghiệp trao đổi, tạo ra cơ hội mới.

Việt Nam là quốc gia có lực lượng lao động trẻ, năng động và chăm chỉ, có cấu trúc chính trị xã hội ổn định và Chính phủ có khát vọng phát triển mạnh mẽ. Tôi tin rằng các yếu tố này sẽ đóng góp quan trọng vào vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi.

4 tỉ đơn vị sản phẩm xuất xưởng từ Nhà máy Intel Việt Nam

Kể từ năm 2010, khi dây chuyền sản xuất chính thức đi vào hoạt động, Nhà máy Intel Việt Nam đã đóng góp hơn 96,2 tỉ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM và khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM.

Tính đến cuối năm 2024, Nhà máy Intel Việt Nam đã xuất xưởng hơn 3,9 tỉ đơn vị sản phẩm. Dự kiến vào khoảng tháng 4-2025, Intel Việt Nam sẽ đạt cột mốc 4 tỉ đơn vị xuất xưởng.

Nhà máy Intel Việt Nam cũng là cơ sở lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong bốn nhà máy về mảng lắp ráp và kiểm định của Intel trên toàn cầu.

Intel mở rộng mạng lưới nhà cung cấp tại Việt Nam - Ảnh 5.Intel muốn bứt phá trong cuộc đua chip AI

Nhà sản xuất chip hàng đầu một thời Intel ngày 24-9 công bố ra mắt sản phẩm chip trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhằm cải thiện ngành kinh doanh trung tâm dữ liệu và cạnh tranh với các đối thủ AMD và Nvidia.



Nguồn: https://tuoitre.vn/intel-se-tiep-tuc-gan-bo-va-dau-tu-vao-viet-nam-thoi-gian-toi-20250217224755819.htm

Bình luận (0)

No data
No data

No videos available