Viêm mũi họng, viêm thanh quản tăng sau Tết

Báo Đầu tưBáo Đầu tư13/02/2025

Thời tiết lạnh khi về quê đón Tết, ăn uống các món lạnh hoặc cay nóng, lịch sinh hoạt thay đổi thất thường, và việc sử dụng giọng nói quá nhiều là những yếu tố khiến nhiều người mắc viêm mũi họng và viêm thanh quản trong dịp Tết.


Tin mới y tế ngày 13/2: Viêm mũi họng, viêm thanh quản tăng sau Tết

Thời tiết lạnh khi về quê đón Tết, ăn uống các món lạnh hoặc cay nóng, lịch sinh hoạt thay đổi thất thường, và việc sử dụng giọng nói quá nhiều là những yếu tố khiến nhiều người mắc viêm mũi họng và viêm thanh quản trong dịp Tết.

Viêm mũi họng, viêm thanh quản tăng sau Tết

Theo thông tin từ một Trung tâm Tai Mũi Họng của một cơ sở y tế đa khoa, cơ sở này đã tiếp nhận gần 600 bệnh nhân viêm mũi họng, viêm thanh quản trong những ngày đầu năm mới, tăng khoảng 20% so với trước Tết. Các triệu chứng phổ biến gồm sốt, ho, mất giọng, khàn tiếng, sổ mũi, đau họng, khó nuốt và đau mỏi toàn thân.

Trong kỳ nghỉ Tết dài, nhiều cơ sở y tế hạn chế hoạt động và người bệnh thường chủ quan, nghĩ rằng chỉ là cảm lạnh thông thường, không đi khám mà tự mua thuốc điều trị.

Nhiều bệnh nhân chủ yếu từ miền Trung và miền Bắc trở về miền Nam sau kỳ nghỉ Tết. Nguyên nhân gây gia tăng số ca bệnh chủ yếu là do thời tiết mưa lạnh ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung (khoảng 15–20°C), khiến hệ hô hấp yếu đi.

Thêm vào đó, việc thay đổi môi trường sống đột ngột (từ Nam ra Bắc rồi lại trở vào Nam) khiến cơ thể tiếp xúc với các tác nhân lạ, từ vi khuẩn, virus cho đến các dị nguyên mà cơ thể chưa có miễn dịch.

Cùng với đó là thói quen ăn uống không điều độ như các món cay nóng, rượu bia, thức khuya hay việc sử dụng giọng nói quá nhiều khi đi chúc Tết, giao lưu khiến dây thanh quản bị quá tải.

Trong kỳ nghỉ Tết dài, nhiều cơ sở y tế hạn chế hoạt động và người bệnh thường chủ quan, nghĩ rằng chỉ là cảm lạnh thông thường, không đi khám mà tự mua thuốc điều trị.

Điều này dẫn đến tình trạng bệnh không được kiểm soát kịp thời, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Một trường hợp điển hình là chị K.P.T. (30 tuổi) từ Quảng Ngãi trở lại TP.HCM làm việc sau Tết trong tình trạng ho nhiều, mất giọng, có đờm vàng, đau họng và khó nuốt.

Thời tiết ở Quảng Ngãi khi đó khá lạnh (18–22°C), cộng thêm việc di chuyển nhiều, ăn đồ cay nóng, uống nước ngọt, thức khuya và không giữ ấm cơ thể đã khiến chị mắc cảm lạnh, sốt và ho.

Mặc dù tự mua thuốc kháng sinh và kháng viêm uống trong 3 ngày nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, chị mất giọng và phải đến bệnh viện để khám. Sau khi nội soi, bác sỹ chẩn đoán chị bị viêm họng, viêm thanh quản và viêm loét lưỡi.

Chị được kê đơn thuốc và hướng dẫn cách điều trị. Tương tự, bé L.V.H. (7 tuổi) từ Hà Nội về TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết, bị sổ mũi, ho, sốt và khó chịu do thay đổi nhiệt độ từ lạnh (15–18°C) ở Hà Nội sang nóng ẩm ở TP.HCM (30°C). Bệnh tình của bé trở nên nặng hơn khi các triệu chứng như ho khan, mất ngủ và sốt cao xuất hiện. Sau khi thăm khám, bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm mũi họng cấp kèm viêm xoang.

Theo các bác sỹ, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ miền Bắc sang miền Nam gây khó khăn cho cơ thể trong việc thích nghi, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch.

Thêm vào đó, việc tụ tập đông người và di chuyển trong không gian kín như xe khách, máy bay khiến nguy cơ lây nhiễm virus và vi khuẩn tăng cao. Viêm mũi họng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm xoang cấp, viêm phế quản hoặc viêm phổi.

Để phòng ngừa viêm mũi họng sau Tết, theo Thạc sỹ, bác sỹ CKI Phạm Thái Duy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo mọi người cần: vệ sinh mũi họng sạch sẽ; giữ ấm cổ họng khi ra ngoài;

Hạn chế uống nước lạnh, uống nước ấm hoặc trà gừng, mật ong; đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh không khí khô, bụi bẩn; hạn chế ăn đồ cay nóng và nói to, nói nhiều; uống đủ nước (2 lít/ngày) và ngủ đủ giấc; duy trì lịch sinh hoạt lành mạnh. Nếu có triệu chứng như đau họng, khàn giọng, sốt nhẹ, sổ mũi kéo dài trên 3-5 ngày, bạn nên đi khám sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Thay khớp do điều trị viêm cột sống dính khớp không đúng cách

Anh Hoàng, 43 tuổi, bị viêm cột sống dính khớp nhưng không tuân thủ điều trị, gây biến chứng hoại tử chỏm xương đùi, phải thay khớp háng để tránh nguy cơ tàn phế. Anh Hoàng (Khánh Hòa) phát hiện bệnh cách đây 15 năm nhưng chỉ dùng thuốc khi cơn đau bùng phát, khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng.

Trong sinh hoạt hàng ngày, anh gặp khó khăn do thay đổi dáng đi, khó giạng khép chân, đau cứng lưng, không thể cúi người, cơn đau lan xuống vùng háng bên trái…

“Khớp háng bên trái của người bệnh đã dính cứng, khả năng gấp duỗi chỉ còn 20-30 độ”, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ- người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân giải thích thêm rằng người bệnh bị viêm cột sống dính khớp kéo dài không được kiểm soát tốt nên gây dính và cứng đốt sống cổ, đốt sống lưng, khớp cùng chậu.

Trong đó, nghiêm trọng nhất là khớp háng bên trái, dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi, gây đau cứng khớp, suy giảm khả năng vận động. Người bệnh đối mặt với nguy cơ tàn phế cao nếu không được phẫu thuật thay khớp nhân tạo.

Bác sỹ Vũ đánh giá khớp háng của anh Hoàng đã dính cứng nên gây khó khăn cho việc lựa chọn tư thế nằm khi phẫu thuật và quá trình bộc lộ khớp háng. Thông qua tính toán và lên kế hoạch mổ bằng phần mềm chuyên dụng TraumaCad, bác sỹ đã thay khớp háng nhân tạo cho người bệnh bằng đường mổ lối sau.

Từng thành phần khớp như gân cơ, mô mềm… được tách ra một cách chậm rãi bằng những dụng cụ chuyên biệt, giúp giảm thiểu tối đa các tổn thương có thể xảy ra, bộc lộ chỏm xương đùi và ổ cối đã dính chặt với nhau.

Thêm một thách thức nữa ở trường hợp này là ổ cối bị phá hủy hoàn toàn, gây khó khăn cho việc xác định đúng vị trí để lắp khớp nhân tạo. Nếu khớp nhân tạo đặt lệch có thể gây trật khớp háng tái phát sau mổ. Do đó, cần phải định hướng lại vị trí ổ cối. Toàn bộ ca mổ kéo dài 3 tiếng.

Ngày thứ 2 sau mổ, người bệnh cho biết tình trạng sức khỏe cải thiện rõ rệt, đi lại dễ dàng hơn, không còn đau nhức, nhất là vào ban đêm. Người bệnh được xuất viện vào ngày hôm sau. Tiên lượng, ở giai đoạn đầu, độ gấp duỗi chân của người bệnh sẽ đạt 60 - 90 độ. Sau đó tiếp tục phục hồi đến 120 độ, dần lấy lại dáng đi tự nhiên.

ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư, Khoa Nội cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình cho biết viêm cột sống dính khớp là bệnh mạn tính, đặc trưng bởi thương tổn ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp ở chi và thậm chí cả điểm bám gân.

Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng viêm sẽ thúc đẩy cơ thể tự sửa chữa bằng cách hình thành xương mới. Sự hiện diện của những đoạn xương mới này làm thu hẹp khoảng cách giữa các khớp hoặc đốt sống, cuối cùng làm cho chúng dính lại với nhau. Khi đó, cột sống hoặc khớp sẽ cứng lại và mất đi độ linh hoạt vốn có, người bệnh đi lại khó khăn, cứng đơ như robot, không thể gập lưng…

Vì là bệnh mạn tính nên người bệnh viêm cột sống dính khớp phải uống thuốc suốt đời. Ở trường hợp của anh Hoàng, bệnh đã phát triển đến giai đoạn muộn, nên được chỉ định dùng thuốc sinh học.

Phương pháp này giúp ức chế phản ứng viêm, làm chậm tiến trình phát triển bệnh, cải thiện chức năng vận động, ngăn ngừa tình trạng xuất hiện các cầu xương gây viêm dính ở những khớp khác và không ngoại trừ khả năng khớp háng nhân tạo cũng có nguy cơ tái phát dính cứng. Triệu chứng sớm nhất và đặc trưng của viêm cột sống dính khớp là đau vùng lưng - thắt lưng, có thể kèm theo cứng cột sống vào buổi sáng.

Cơn đau thường kéo dài ít nhất 3 tháng và có thể khởi phát từ rất sớm (17 - 45 tuổi), đau không thuyên giảm khi nghỉ ngơi nhưng sẽ cải thiện khi người bệnh vận động nhẹ… Người bệnh nên đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu cảnh báo để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Người bệnh khốn khổ vì viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi phản ứng quá mức với các tác nhân như phấn hoa, bụi mịn, lông động vật. Bệnh không nguy hiểm, không đe dọa tính mạng nhưng gây khó chịu đáng kể, suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh.

Chị N.B.G. (30 tuổi, TP.HCM) nước mắt và nước mũi chảy ròng, hắt hơi liên tục, nghẹt mũi, đầu mũi đỏ, ho khan sau khi mẹ chị chưng hoa ly, hoa cúc.

Đỉnh điểm, chị còn bị khó thở, ho khan. Nghẹt mũi khiến chị không thở được, phải thở bằng miệng nên thêm bệnh viêm họng. “Cứ gần Tết hàng năm là bệnh viêm mũi dị ứng mạn tính tái phát, chị phải đi bệnh viện,” chị G. nói.

Hay như anh V.N.K. (34 tuổi) sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Anh biết rõ mình dị ứng phấn hoa. Mỗi mùa hoa nở, tết đến xuân về là anh tái phát bệnh.

Đợt này, về nước, gần Tết, tiếp xúc với hoa trang trí nhà ba mẹ, họ hàng, anh lại tái phát viêm mũi dị ứng. Anh K. chảy nước mắt, nước mũi; ngứa mắt; hai mí mắt sưng; hắt hơi, nghẹt mũi.

Anh uống thuốc giảm triệu chứng nhưng người lừ đừ, mệt mỏi. “Gần Tết, mọi người đến chơi mang theo hoa mai, hoa ly. Những mùi hương đó làm tôi hắt hơi không dứt, đến nỗi phải ‘cách ly’ ở phòng ngủ,” anh K. nói.

Sợ bệnh tiến triển nặng trong những ngày Tết, anh K. đi khám. Khi nội soi tai mũi họng, không phát hiện bất thường cấu trúc giải phẫu mũi họng, kê thuốc điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc mũi họng, sinh hoạt và dinh dưỡng để ngăn ngừa nhất có thể viêm mũi dị ứng tái phát, giảm triệu chứng dị ứng phấn hoa.

Theo bác sỹ, viêm mũi dị ứng kéo dài, không điều trị ảnh hưởng đến khứu giác (giảm hoặc mất khả năng nhận biết mùi) hoặc ngủ ngáy do viêm phù nề niêm mạc mũi họng.

Một số trường hợp viêm mũi dị ứng nhiều năm gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, phì đại cuốn mũi, phải phẫu thuật. Trường hợp nếu bác sỹ phát hiện polyp mũi hay có bất thường về giải phẫu như lệch vách ngăn khiến viêm mũi dị ứng nặng hơn thì sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật.

Nếu triệu chứng viêm mũi dị ứng “bùng” lên nhiều, người bệnh nên đi khám để bác sỹ điều trị; đồng thời tăng cường sức đề kháng, ăn uống nghỉ ngơi khoa học, giữ cho cơ thể không stress căng thẳng, tập thể dục nhẹ nhàng.

Nếu viêm mũi dị ứng bội nhiễm (đã biến chứng bội nhiễm vi trùng) thì người bệnh phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài và tiến triển nặng hơn, gây ra các biến chứng như viêm xoang cấp – mạn tính, polyp mũi; đồng thời tốn kém chi phí, tiền bạc, chất lượng cuộc sống suy giảm.

Để phòng dị ứng, mọi người nên tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây ra dị ứng. Những người dễ bị dị ứng với bụi phấn hoa nên đóng kín cửa để ngăn không cho bụi và phấn hoa bay vào phòng ngủ; thường xuyên lau chùi bụi trên bàn, ghế, kệ, tủ… sàn nhà.

Khi cần hoạt động ngoài trời, bạn phải đeo khẩu trang để tránh hít phải phấn hoa, hạn chế đến các vườn hoa là nơi dễ phát tán nhiều bụi phấn, bào tử.

Nếu dị ứng khói nhang, có thể đeo khẩu trang khi thắp nhang, không ở lâu trong phòng thờ, không nên đốt cả nén mà chỉ nên đốt 1 cây, rửa mắt mũi bằng nước muối sinh lý nếu khói nhang gây kích ứng.



Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-132-viem-mui-hong-viem-thanh-quan-tang-sau-tet-d246000.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available