Tôi có nhiều nốt ruồi ở mặt và cổ, có nguy cơ tiến triển ung thư cao không? (Ngọc Anh, 37 tuổi, Bạc Liêu)
Trả lời:
Nốt ruồi hình thành do quá trình tăng sản tại chỗ của tế bào hắc sắc tố bên dưới lớp biểu bì. Tế bào hắc tố thường tập trung thành cụm tạo thành nốt ruồi, còn gọi là u tế bào hắc tố hay nevi sắc tố. Chúng sản xuất nhiều melanin tại vị trí khối u tế bào hắc tố nên nốt ruồi thường có màu nâu đến màu đen.
Hầu hết nốt ruồi lành tính, tăng kích thước chậm, chỉ 1-2 mm trong 5-10 năm. Một số nốt ruồi có thể phát triển thành khối u ác tính, gọi là ung thư tế bào hắc tố da (melanoma). Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời chiếu vào da gây ra phản ứng quang hóa khiến cấu trúc DNA tế bào bị phá hủy, sản sinh chất làm mờ pyrimidine. Đây là nguyên nhân chính hình thành khối u ác tính trên da.
Bạn có nốt ruồi ở mặt nhưng chưa nói rõ kích thước, màu sắc thế nào nên chưa thể đánh giá chính xác có phải ung thư không. Các dấu hiệu cảnh báo nốt ruồi lành tính chuyển thành ung thư gồm nốt ruồi to ra nhanh (kích thước lớn hơn 6 mm) trong vài tháng, đường viền không đều, bề mặt sần sùi, màu sắc chỗ đậm chỗ nhạt, chảy dịch, loét…
Theo thông tin của Thư viện Y khoa Mỹ, khoảng 10-25% nốt ruồi có thể phát triển thành u ác tính nằm ở vùng đầu và cổ, là những vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vị trí thường gặp nhất là mặt (40-60%), da đầu (14-49%), cổ (20-29%), tai (8-11%). Những người thường phơi lưng dưới ánh nắng mặt trời, nam giới có thói quen cởi trần cũng có nguy cơ ung thư da vùng lưng và ngực.
Melanoma là loại ung thư ác tính cao, khả năng lan nhanh, di căn xa. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong trong vài tháng. Ung thư da tại vùng đầu và cổ thường có tiên lượng xấu, đặc biệt là da đầu.
Melanin có tác dụng bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời, chống bỏng da. Những người da trắng không có tế bào hắc tố nên không có melanin, không bao giờ bị sạm da. Nhưng họ rất dễ bị bỏng da khi phơi nắng và ung thư da nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trái lại, người da màu như ở khu vực châu Phi có nhiều tế bào hắc tố nên không bao giờ bị bỏng nắng dù thường xuyên phơi nắng, nhưng dễ tăng sắc tố da.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp