Nhà ống không có lối thoát nạn thứ hai, cư dân thiếu kỹ năng ứng phó… là nguyên nhân chính khiến nhiều người tử vong trong vụ cháy chung cư ở phố Khương Hạ, theo các chuyên gia.
Chỉ trong vòng hai giờ, đám cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12/9 đã khiến 56 người chết, 37 người bị thương. Đây là vụ cháy có số người thương vong lớn nhất trong 21 năm qua, chỉ sau vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế ITC ở TP HCM năm 2002 (60 người chết, 70 người bị thương).
Gần một ngày sau vụ cháy, chủ chung cư mini Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, trú quận Cầu Giấy) đã bị khởi tố, tạm giam 4 tháng về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Tám năm trước, Minh xin giấy phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trên diện tích đất 240 m2. Quận Thanh Xuân sau đó cấp phép 6 tầng, diện tích xây dựng tầng một 167 m2, mật độ xây dựng 70%, tổng chiều cao công trình là 20,2m (không tính tum thang). Tuy nhiên, Minh đã biến công trình thành chung cư mini 10 tầng, diện tích xây dựng 230 m2, mật độ gần 100%, mỗi sàn 4-5 căn hộ bán cho 45 hộ dân (150 cư dân).
“Chủ chung cư mini bị cháy đã lách luật, cố tình xin giấy phép là nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng để không phải thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, thiếu trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định”, ông Bùi Xuân Thái, chuyên gia Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, nói.
Theo Quy chuẩn 06 về kỹ thuật an toàn cháy, công trình 7 tầng trở lên phải có giấy chứng nhận phòng cháy khi xin giấy phép xây dựng nhà với các quy định chặt chẽ như cần có hai lối thoát nạn, phải trang bị nhiều thiết bị phòng cháy.
Kiểm tra chung cư mini bị cháy, ngày 14/9, Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt sai phạm về an toàn phòng cháy, trong đó xác định có nguyên nhân từ việc chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. “Các vi phạm về cấp phép, không đảm bảo điều kiện an toàn… đều do địa phương được phân cấp quản lý, nhưng lại buông lỏng”, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường nói.
Thực tế, quận Thanh Xuân đã phát hiện ra công trình xây dựng sai phép và ra văn bản xử phạt, cưỡng chế, theo ông Đặng Hồng Thái, nguyên Phó chủ tịch UBND quận, người ký quyết định cấp phép. Tuy nhiên, sau khi vụ cháy xảy ra, tức 8 năm sau, ông Thái nói rằng, “khi ấy, tôi đã ra quyết định cưỡng chế và giao phường Khương Đình thực hiện. Còn tiếp theo như thế nào thì phải kiểm tra lại”.
Tòa nhà 10 tầng được xây dựng kiểu nhà ống ba mặt kín, không có lối thoát nạn thứ hai, ngoài cầu thang bộ kiêm lối thoát nạn thứ nhất. Bảo vệ tòa nhà cho biết đám cháy xuất phát từ ổ điện ở khu vực để xe tầng một, sau đó bùng và lan lên các tầng trên khiến việc tiếp cận cứu người từ lối vào này bất khả thi.
Ghi nhận hiện trường cho thấy, lối thoát và cứu nạn duy nhất là lôgia căn hộ nhưng hầu hết được rào kín bằng khung inox kiểu “chuồng cọp”. Một số căn hộ có mở lối thoát ra ngoài nhưng khóa bên trong hoặc không có thang xuống. Theo tính toán, thời gian để lực lượng cứu hộ cắt phá khung sắt thường ít nhất 5-10 phút nên có thể lỡ “thời gian vàng” để cứu người.
Thượng úy Dương Văn Linh trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ cho hay bốn chiến sĩ dùng dây leo lên tầng 4, mang theo dụng cụ banh cắt, kìm cộng lực để phá “chuồng cọp” giải cứu người bên trong. Các chuồng cọp không mở lối thoát khiến việc cứu hộ và đưa người bị nạn ra ngoài gian nan hơn.
Hai ngày sau vụ cháy, anh Nguyễn Văn Đại, đội viên hỗ trợ sơ cứu FAS Angel vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến nhiều thi thể nạn nhân ở cầu thang bộ và trước cửa căn hộ tại các tầng cao. “Nạn nhân thoát ra từ lối lô gia vẫn có khả năng sống sót cao hơn lối khác”, anh Đại nói, cho rằng thang bộ chật hẹp khoảng 1,5 m nên khó thoát hiểm, đồng thời gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi phải vận chuyển nhiều nạn nhân cùng lúc.
Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 2 cho hay khu vực có nhiều người chết nhất là từ cầu thang bộ từ tầng 7 trở lên. “Có thể khi xảy ra cháy, nhiều người chạy xuống dưới nhưng khói lửa bùng mạnh nên lại chạy ngược lên tầng thượng với hy vọng thoát nạn. Hoảng loạn, cầu thang hẹp, lượng người quá lớn đã dẫn đến thảm kịch này”, anh nói.
Đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng xác nhận đa phần nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung mini ở Khương Hạ do nhiễm khói. Tòa nhà có giếng trời, khi xảy ra cháy, khói và lửa đã theo giếng thông gió ngược lên trên, qua cửa sổ vào trong các gian phòng. “Do vậy, hầu hết căn phòng trong chung cư bị nhiễm khói. Đặc biệt ở tầng 4 có một phòng cháy nhiều do lửa theo giếng thông gió qua cửa sổ và cháy vào các vật liệu như rèm cửa”, ông Vũ Ngọc Anh nói.
Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị 24 bệnh nhân trong vụ cháy chung cư ở Khương Hạ, tổn thương chủ yếu là do ngạt khói. Theo các bác sĩ, khí CO sản sinh từ những vụ cháy có thể khiến nạn nhân ngất, dần hôn mê, ngưng thở, nhanh chóng tử vong.
Một nguyên nhân khác khiến số người tử vong cao trong các vụ cháy là người dân thiếu kỹ năng ứng phó. Lực lượng cứu hộ kể lại khi tòa chung cư mini cháy, nhiều nạn nhân đã vào nhà vệ sinh đóng kín cửa, vặn nước dẫn đến tử vong do ngạt khói. Một số khác hoảng loạn chui dưới gầm giường, trốn trong tủ quần áo, có người nhảy từ tầng cao xuống dẫn đến tử vong hoặc bị thương nặng.
Theo các chuyên gia phòng cháy chữa cháy, nguyên tắc cơ bản nhất là người dân phải tránh được khói và nhiệt độ cao. Nếu quan sát thấy khả năng chạy ra khỏi nhà theo thang bộ khó khăn thì cần bình tĩnh, đánh giá phương án an toàn để tránh khói và tìm lối thoát nạn khẩn cấp (ví dụ cửa sổ, ban công, lô gia …).
Người dân cần đóng, chèn kín cửa bằng vải ướt, kéo đồ vật dễ cháy ra xa cửa, sau đó ra chỗ thoáng tiếp xúc với khí trời (ban công, lô gia, cửa sổ) và chờ ở đó nếu không có thang dây. Nếu khu vực này cũng bị khói xông từ dưới lên thì phải quay vào nhà, đóng kín cửa để tránh khói xâm nhập.
Trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, một số cư dân có kỹ năng ứng phó đã tự cứu được bản thân và gia đình. Anh Nguyễn Công Huy (41 tuổi, sống ở tầng 3 chung cư) đã dùng thang dây trang bị trước đó để trèo xuống dưới an toàn, 7 người ở hai căn hộ khác cũng đã thoát nạn theo lối này. Lính cứu hỏa sau đó cũng theo thang dây lên tầng 5 để cứu thêm 4 người trong một gia đình.
Chung cư mini 10 tầng cách mặt phố Khương Hạ khoảng 500 m, nằm sâu trong ngõ, ngách gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn. 15 xe cứu hỏa được điều đến hiện trường nhưng phải dừng cách đó chừng 400 m, do ngõ vào quá hẹp, chỉ khoảng 3 m. Cảnh sát phải kéo vòi rồng dẫn nước từ téc bên ngoài vào để dập lửa. Xe thang hiện đại cũng được điều đến nhưng không thể sử dụng, lính cứu hỏa phải sử dụng thang nhỏ trèo lên các tầng nhà.
Trong khi đó, theo Quy chuẩn 06 về kỹ thuật an toàn cháy, các tòa chung cư cao từ 7 tầng trở lên phải đảm bảo đường vào cho xe chữa cháy, bãi đỗ xe chữa cháy không xa quá 10 m, tòa nhà phải bố trí các họng nước chữa cháy.
Ngoài ra, các chuyên gia và lực lượng cứu hộ cũng chỉ ra đám cháy xảy ra lúc nửa đêm khiến nhiều người không kịp trở tay, việc chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 15/9, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu tổng rà soát, kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại chung cư, nhà ở có nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ mật độ cao, nhà ở kết hợp kinh doanh trên toàn quốc. Bộ Xây dựng được giao trách nhiệm bổ sung tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini và cơ sở cho thuê trọ mật độ người cao, đồng thời sớm sửa đổi quy chuẩn và tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ.
Theo thống kê của Điện lực Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ.
Nhóm phóng viên