Xã An Nhứt thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu xưa nay chưa bao giờ được điểm tên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhưng giờ bà con náo nức vì hình ảnh đồng lúa chín vàng bình yên bên con đường lúc thẳng tắp, khi gấp khúc vô cùng ấn tượng.
Hôm tôi đi là ngày trong tuần chứ không phải cuối tuần, vì ngại gặp cảnh xe cộ đông đúc. Theo hướng dẫn của những bạn trẻ đã đi, An Nhứt cách TP.HCM tầm 4 giờ chạy xe, nhưng thực tế đi chỉ khoảng 2 giờ rưỡi.
12h trưa, sau khi thu xếp công việc, chúng tôi xuất phát từ TP.HCM trên đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, đến nút giao Long Thành thì rẽ phải vào quốc lộ 51 hướng đi Vũng Tàu.
Cánh đồng lúa vào giữa trưa sẽ rất nắng, cũng rất ít quán xá nên chúng tôi quyết định sẽ đi thẳng ra bờ kè Phước Hải cách đó 12km, để ăn trưa muộn.
Bờ kè Phước Hải – thiên đường hải sản bình dân
Mấy năm gần đây, lượng du khách ở các tỉnh, huyện lân cận có xu hướng về bờ kè Phước Hải để thưởng thức hải sản. Hải sản khá ngon mà giá cả hợp lý, nên trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, video clip trải nghiệm ẩm thực ở khu vực này.
Đoạn đường Trần Hưng Đạo – hay còn gọi là bờ kè Phước Hải – dọc theo bãi biển Phước Hải, bên đường san sát rất nhiều hàng quán. Theo hướng dẫn của nhiều người đi trước, các quán Kim Tiền, Bé Chị, Chị Oanh… có chất lượng hải sản đều ngon.
Tuy nhiên, chúng tôi đến vào giờ trưa muộn nên chỉ còn mỗi quán Quý Mập nhận khách và khách rất đông. Phước Hải nổi tiếng với hàu sữa và ốc, tôm, mực các loại. Hàu sữa hấp rất mẩy và ngọt, một ký chỉ 35.000 đồng. Ngoài ra hàu nướng phô mai, hàu nướng mỡ hành đều hấp dẫn, nhưng có lẽ hàu sữa hấp đơn giản vẫn là đỉnh cao.
Bờ kè nằm ngay sát làng chài Phước Hải. Trên bãi biển, thuyền thúng đậu san sát, bà con ngư dân vá lưới, xếp lưới, cười nói vui vẻ trong khi làm việc. Bãi biển cũng thoáng và sạch, bạn có thể dạo chơi, chụp hình, check-in.
Tuy nhiên, chúng tôi không quên mục đích đi đến đây để chiêm ngưỡng cánh đồng lúa chín, vì vậy sau khi đã thỏa mãn với hải sản, chúng tôi lên đường tìm đến với cánh đồng An Nhứt.
Hoàng hôn trên cánh đồng An Nhứt
Cánh đồng lúa An Nhứt cách bờ kè Phước Hải chỉ tầm 12km. Đường vắng và đẹp, hai bên đường chủ yếu là cây cối. Nhà cửa ở đây khá thưa thớt. Đi trên đường D.55, bạn sẽ thấy cánh đồng lúa rất lớn. Từ đây, bạn có thể dừng lại ở bất cứ nơi nào để ngắm cảnh. Thỉnh thoảng trên những con đường đất nho nhỏ bạn sẽ bắt gặp những nông dân đang gặt lúa sớm.
Mùi lúa chín thơm nồng, mùi của những gốc rạ quyện cùng mùi bùn sắp khô bao trùm lấy không gian quanh mình. Người dân thấy có khách lạ đến thì rất vui, hỏi đủ thông tin rồi không ngần ngại mời bạn thử giê lúa, hay sẵn sàng cho khách mượn “đạo cụ” để chụp hình.
Đi trên đường D.55 đến cầu An Nhứt thì rẽ vào. Đây mới chính là con đường đang “gây sốt” trên mạng xã hội cả tuần nay. Đây là nơi ngắm hoàng hôn và chụp ảnh đẹp nhất, bởi con đường nhỏ và không cao hơn đất ruộng nhiều. Hai bên đường chỉ có mương nước và không có nhà cửa, nên không bị che mất tầm nhìn.
Đặc biệt con đường nhựa đen nổi bật giữa đồng lúa chín vàng, lại còn uốn lượn quanh co nên khi chụp hình rất hay. Ở đây còn có một cây cao vừa phải mà dân cư mạng gọi là cây cô đơn. Dưới tán cây này không biết đã có bao “nàng thơ” thơ thẩn tạo dáng, bao nhiêu bức ảnh đẹp đã ra đời.
Du khách từ Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM ghé đây cũng không ít. Chủ yếu là các bạn trẻ, đôi khi còn có gia đình ba thế hệ đưa nhau đi hóng gió đồng. Đồng lúa buổi chiều mát mẻ, con đường khá dài nên dù hơi đông người đến xem lúa ngắm hoàng hôn nhưng cũng không gây ồn ào, phiền hà gì cho nhau.
Chợ quê An Nhứt
Từ điểm ngắm hoàng hôn, theo đường D.55 đi khoảng 1km sẽ đến chợ quê An Nhứt. Lúc đến, chúng tôi cứ nghĩ chợ quê chỉ họp vào cuối tuần, nếu trong tuần có mở bán thì chắc cũng vài hàng thôi. Với tâm lý đó, chúng tôi đến nơi thì không khỏi bất ngờ vì rất đông khách và nhiều gian hàng.
Theo các tiểu thương, chợ quê đã có từ cách đây nửa năm và ở một nơi khác, nhưng sau chính quyền thấy khách quá đông gây ùn tắc giao thông nên quy hoạch chợ về đây. Chợ dài khoảng 1km, có hai bãi để xe máy và xe hơi hợp lý và rất lớn, có đội trật tự hướng dẫn rất tận tình.
Chợ bán đa dạng các loại thực phẩm từ món mặn đến món ngọt, từ món truyền thống đến các món ăn nhanh hiện đại. Chất lượng cũng ở tầm tàm tạm. Mọi người đến đây chỉ mang tâm thế đi lấy không khí thôi, không quá kỳ vọng nên ai cũng vui vẻ thoải mái.
Gió đồng mát mẻ, không gian rộng lớn, ngồi giữa chợ quê ăn một món gì nho nhỏ nói những câu chuyện không đầu không cuối tự dưng thấy cũng nhẹ nhàng.
Nhiều người cho rằng An Nhứt chỉ có cánh đồng không có gì đặc sắc, tại sao lại gây nên “cơn sốt” như vậy. Không hẳn là tâm lý khách du lịch thích chạy theo “trend” đâu. Bản thân trải nghiệm nửa ngày chúng tôi thấy rất vui, đổi gió để mình cảm thấy tươi mới mà không cần mất nhiều thời gian, tiền bạc và tâm sức lên kế hoạch, thế thì chuyến đi quá đáng giá.
Cánh đồng An Nhứt không chỉ đẹp vào mùa vàng lúa chín. Tôi nghĩ sau mùa lúa, ta có thể đến thả diều, đến mùa gieo trồng sau thì màu xanh mơn mởn vẫn cho một vẻ đẹp tươi xanh.