Đó là các trường hợp Nguyễn Hoàng Phú (34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), Đoàn Nguyễn Minh Hoàng (28 tuổi, cùng ngụ TP Thủ Đức) và Nguyễn Phi Long (43 tuổi, ngụ quận 11). Cả 3 đều là những người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản.
Kết luận điều tra nói rõ, 3 người này được ông Trần Quí Thanh (70 tuổi – Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát, trụ sở tại Bình Dương) giao đi tìm các tổ chức, cá nhân cần vay tiền nhưng phải có tài sản có giá trị, để ký hợp đồng giả cách mua – bán. Ba người được hưởng tiền công môi giới từ các phi vụ này.
Cha con ông Trần Quí Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản 767 tỷ đồng của 4 tổ chức, cá nhân. Ba người nói trên có vai trò giúp sức nhưng vì sao lại không bị xử lý hình sự?
Môi giới cho vay, hưởng 1 triệu USD
Người đầu tiên kể đến là Nguyễn Hoàng Phú, môi giới trong các phi vụ vay tổng cộng 615 tỷ đồng và được hưởng tiền công môi giới 23,65 tỷ đồng.
Cụ thể, trong vụ bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn địa ốc Kim Oanh) vay 2 lần tổng cộng 500 tỷ đồng từ cha con ông Trần Quí Thanh bằng việc ký hợp đồng giả cách bán rồi mất luôn 2 dự án Minh Thành và Nhơn Thành (ở Đồng Nai) có vai trò không nhỏ của Phú.
Khi biết thông tin bà Kim Oanh cần tiền xoay xở các dự án, Phú là người chủ động tiếp cận với trợ lý của bà chủ địa ốc Kim Oanh và tự giới thiệu là trợ lý của ông Trần Quí Thanh.
Phú có 3 lần gặp bà Oanh để bàn về việc môi giới vay tiền và ký hợp đồng dịch vụ môi giới; trong đó nói rõ về tiến độ giải ngân tiền vay và phí môi giới của Phú là 5%.
Khi bà Kim Oanh vay 350 tỷ đồng của ông Trần Quí Thanh, lãi suất 3%/tháng, nhưng phải làm thủ tục chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty Minh Thành Đồng Nai cho 2 con gái ông Thanh là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích… Phú được hưởng phí môi giới 5% (tương đương 14,65 tỷ đồng).
Khi bà Oanh lo lắng với việc vay tiền mà phải ký hợp đồng mua bán, Phú là người tác động, tạo niềm tin để bà Oanh ký. Ngoài ra, Phú còn tác động đến những người liên quan, trì hoãn việc thanh toán của con gái bà Kim Oanh, tạo cớ cho cha con ông Trần Quí Thanh chiếm đoạt toàn bộ dự án.
Phú còn môi giới cho bà Kim Oanh vay 150 tỷ đồng, lãi suất 3%/tháng của ông Trần Quí Thanh bằng việc ký chuyển nhượng 100% vốn góp tại dự án Nhơn Thành cho bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh). Phú được hưởng công môi giới 5% (tương đương 6 tỷ đồng).
Ngoài ra, Phú còn môi giới cho ông Lâm Sơn Hoàng vay 115 tỷ đồng của Trần Quí Thanh, với lãi suất 3% tháng, và phải ký chuyển nhượng 4 thửa đất ở TP Thủ Đức cho Trần Uyên Phương (con gái ông Thanh). Vụ này, Phú nhận tiền công môi giới 3 tỷ đồng.
Phú là người trao đổi với ông Hoàng để nắm tiến độ trả tiền lãi, lãi phạt (4,5%/tháng) và đôn đốc trả lãi đúng hạn. Khi ông Hoàng thương lượng trả tiền gốc và lãi thì Phú đưa đến gặp và ông Trần Quí Thanh tuyên bố phải trả 154 tỷ đồng mới chuộc lại được 4 thửa đất.
Khi bị cơ quan công an mời làm việc, Phú thừa nhận đã nhận tiền công môi giới cộng là 23,65 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, Phú có đấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, với vai trò giúp sức cho Trần Quí Thanh và 2 con gái chiếm đoạt tài sản của bà Kim Oanh, ông Lâm Sơn Hoàng. Nhưng Phú không biết rõ mục đích của Trần Quí Thanh và đồng phạm đưa ra các lý do để chiếm đoạt tài sản của những người trên và việc không trả lại tài sản do cha con ông Thanh quyết định, nên hành vi của Phú chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trường hợp giúp sức khác là “cò vay tiền” Nguyễn Phi Long, người này thông qua quan hệ xã hội môi giới cho ông Nguyễn Văn Chung vay 35 tỷ đồng, lãi suất 3%/tháng, từ ông Trần Quí Thanh.
Thực hiện theo yêu cầu của ông Thanh, ông Chung đã thuyết phục người chủ đang đứng tên lô đất ở đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) phải ký hợp đồng mua – bán cho Trần Uyên Phương (con gái ông Thanh).
Long được hưởng tiền công môi giới 700 triệu đồng từ vụ vay tiền trên.
Trước thời hạn trả nợ, ông Chung chuẩn bị 35 tỷ đồng. Lúc này ông Trần Quí Thanh yêu cầu phải trả thêm 14 tỷ đồng mới được nhận lại đất. Long biết việc yêu cầu thêm 14 tỷ đồng là sai nhưng vẫn truyền đạt ý kiến của ông Trần Quí Thanh đến ông Chung. Dẫn đến ông Chung không có điều kiện xoay sở 14 tỷ đồng nên mất đất.
Cơ quan điều tra xác định, Long có dấu hiệu phạm tội, trong vai trò giúp sức, nhưng không biết rõ mục đích của cha con ông Trần Quí Thanh là chiếm đoạt tài sản người khác và cũng không biết được việc thửa đất được tách thành 29 lô, đã được sang tên cho bà Trần Uyên Phương trước thời hạn ông Chung trả nợ.
Do đó, với trường hợp Long, cơ quan điều tra cũng cho rằng, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đến nay, Long đã nộp lại 200 triệu đồng trong tổng số 700 triệu đồng tiền công môi giới đã nhận.
Tương tự, trường hợp Đoàn Nguyễn Minh Hoàng cũng không bị xử lý hình sự vì không biết rõ mục đích chiếm đoạt tài sản của cha con ông Trần Quí Thanh.
Hoàng môi giới để ông Nguyễn Huy Đông vay 80 tỷ đồng của Trần Quí Thanh với lãi suất 3%/tháng; nhưng không làm hợp đồng vay tiền mà ký hợp đồng chuyển nhượng 02 thửa đất tại quận Bình Tân cho Trần Uyên Phương. Ông Nguyễn Huy Đông đã trả công môi giới cho Hoàng là 2,5 tỷ đồng.
Sau đó, khi ông Đông đề nghị chuộc lại tài sản thì ông Trần Quí Thanh không chấp nhận trả 80 tỷ đồng mà yêu cầu phải đưa thêm 15 tỷ đồng nữa.
Đến nay, Hoàng đã nộp lại 160 triệu đồng từ tiền môi giới được hưởng.
Như vậy cả 3 “cò vay tiền” đều khai báo, chỉ đơn giản là tìm khách để vay tiền từ ông Trần Quí Thanh, từ đó được hưởng công môi giới. Họ hoàn toàn không biết mục đích chiếm đoạt tài sản của cha con ông Thanh và việc trả lại tài sản cho những người vay là do cha con ông chủ Tân Hiệp Phát quyết định.
Do đó, dù cơ quan điều tra xác định, 3 người trên có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; trong vài trò giúp sức cho cha con ông Trần Quí Thanh; nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.