“Vua bóng đá” Pele (23/10/1940, tức 23/9 Canh Thìn)
Nói đến tài năng hoặc sự nghiệp sân cỏ lừng lẫy của “Vua bóng đá” thì hẳn hơi thừa. Bất cứ tín đồ túc cầu giáo nào cũng biết điều đó. Nhưng có một Pele khác ngoài đời vĩ đại không kém. Đó là một Pele miệt mài với nỗ lực chấm dứt nghèo đói, kiến tạo hòa bình trên thế giới.
Từ những ngày đầu trở thành siêu sao cho đến những năm cuối đời, “Vua bóng đá” luôn tận dụng sự nổi tiếng của mình để thúc đẩy hoạt động thiện nguyện. Khi còn thi đấu, Pele từng khiến các phe xung đột ở Nigeria tạm thời ngừng bắn. Chuyện xảy ra vào năm 1969, khi Pele cùng CLB Santos đá giao hữu tại Nigeria với đội bóng địa phương Super Eagles. Lúc ấy, Nigeria đang diễn ra nội chiến giữa Chính phủ và Nhà nước tự xưng Biafra. Giao tranh bùng nổ ở nhiều nơi, nhưng vào ngày mà Pele và các đồng đội ra sân ở thủ đô Lagos, tiếng súng đã tạm ngừng vì tất cả các bên đều cần… nghỉ tay xem ông thi đấu.
Năm 1978, Pele giành được Giải thưởng “Hòa bình Quốc tế” nhờ các hoạt động cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) giúp đỡ trẻ em trên khắp thế giới. Ngoài ra, ông còn trở thành Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc về các vấn đề bảo vệ môi trường. Pele cũng từng là Bộ trưởng Thể thao đặc biệt của Brazil và trên cương vị này, ông đã góp nhiều công sức giúp thế hệ trẻ dùng bóng đá chiến thắng cám dỗ, tệ nạn. Năm 2018, ông thành lập Quỹ Pele nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho trẻ em trên toàn cầu. Đến nay, khi “Vua bóng đá” đã thành người thiên cổ, quỹ này vẫn đang tích cực hoạt động để cải thiện cuộc sống cho rất nhiều thiếu niên.
Mục sư Martin Luther King (15/1/1929, tức 5/12 Mậu Thìn)
Năm 1983, một đạo luật liên bang đã được lưỡng viện Mỹ thông qua, với nội dung chọn ngày thứ Hai của tuần thứ Ba trong tháng Giêng là một ngày lễ toàn quốc. Ngày đó gọi là Martin Luther King Jr Day, (MLK Day) nhằm kỷ niệm ngày sinh của mục sư Martin Luther King Jr – Nhà hoạt động dân quyền và nhân quyền có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.
Mục sư Martin Luther King sinh ngày 15/1/1929 tại Atlanta, bang Georgia, trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều là những mục sư Tin lành. Lớn lên trong giai đoạn nước Mỹ còn phân biệt chủng tộc nặng nề, ông đã chứng kiến vô vàn những bất công, đau khổ mà người da đen phải chịu đựng. Bản thân Martin Luther King và gia đình cũng nhiều lần trở thành nạn nhân trực tiếp của sự phân biệt đối xử.
Những chiến dịch đấu tranh do Martin Luther King khởi xướng đã thành công rực rỡ, dẫn tới việc Tòa án Tối cao Mỹ bãi bỏ một đạo luật phân biệt chủng tộc và thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân quyền đầu tiên của nước này vào ngày 2/7/1964. Nhờ những hoạt động đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của người da màu và chống kỳ thị chủng tộc, Martin Luther King đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1964, khi ông mới 35 tuổi.
Cho đến trước khi bị ám sát và qua đời năm 1968, Martin Luther King đã đi khắp nước Mỹ, truyền cảm hứng đấu tranh cho hàng triệu người qua hàng nghìn bài phát biểu, diễn thuyết. Di sản ông để lại không chỉ là cuộc sống tốt đẹp hơn cho người da đen, mà còn là những tuyên ngôn bất hủ, lay động bao thế hệ người dân trên khắp thế giới về lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin (7/10/1952, tức 19/8 Nhâm Thìn)
Cứng rắn, quyết đoán và thẳng thắn, những tính cách ấy dễ khiến Vladimir Putin bị nhìn nhận sai. Nhưng với một nhà lãnh đạo đã đưa nước Nga từ chỗ suy yếu trầm trọng trở lại thành một siêu cường, mọi đánh giá đều không thể nào lột tả được sự vĩ đại và tầm ảnh hưởng của Tổng thống Putin với nhân loại.
Nếu không có tài năng và ý chí sắt đá của Tổng thống Putin, liệu nước Nga sẽ làm thế nào để vượt qua giai đoạn đầy biến động, với quá nhiều chia rẽ cũng như khó khăn kinh tế – xã hội sau khi Liên Xô tan rã? Và nếu một siêu cường sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới rơi vào hỗn loạn, hành tinh này có được bình an?
Hỏi cũng chính là trả lời. Không phải ngẫu nhiên, vào các năm 2014 và 2021, Tổng thống Putin từng được đề cử cho giải Nobel Hòa bình. Và dù tranh cãi thế nào, thì ông Putin cũng sẽ đóng vai trò quyết định để kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, tái lập nền hòa bình cơ bản của thế giới. Ngoài ra, bằng uy quyền, tầm ảnh hưởng và tài năng ngoại giao của mình, ông Putin còn có thể thúc đẩy nhiều tiến trình hòa bình, ngăn chặn hoặc chấm dứt nhiều cuộc xung đột khác.
Danh ca John Lennon (9/10/1940, tức 9/9 Canh Thìn)
Có lẽ hiếm nhạc sĩ hay ca sĩ nào tạo dựng được ảnh hưởng lớn tới văn hóa đại chúng thế kỷ 20 như John Lennon. Người thủ lĩnh của ban nhạc The Beatles huyền thoại chỉ sống được 40 năm cuộc đời (ông bị một fan cuồng bắn chết năm 1980) nhưng đã để lại một di sản vĩ đại cho âm nhạc thế giới nói riêng và cho văn hóa thế giới nói chung.
Thập kỷ 60 – 70, chẳng có thanh niên phương Tây nào không biết đến The Beatles, đến những ca khúc bất hủ của nhóm như “Hey Jude”, “And I Love her”, “Yesterday” hay “Let It Be”…, những bài hát cho đến giờ vẫn vang lên ở biết bao khán phòng và là ngọn hải đăng soi đường cho nhiều thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ sau này.
Bên cạnh hào quang của một nghệ sĩ hàng đầu thế giới, còn có một thứ ánh sáng khác cũng rất đẹp ở John Lennon. Đó là sức cuốn hút và tầm ảnh hưởng cực lớn của một nhà hoạt động phản chiến nổi bật nhất thế giới. Cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, John Lennon và người vợ Nhật, bà Yoko Ono, đã khởi xướng rất nhiều chiến dịch phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, thu hút sự chú ý của báo chí toàn cầu.
Bài hát bất hủ “Imagine”, với những ca khuyến khích người nghe tưởng tượng về một thế giới hòa bình, được John Lennon cùng vợ sáng tác trong những năm tháng ấy, đã đánh thức lương tri của hàng trăm triệu người và góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến lan rộng trên khắp thế giới.
Cố Tổng thống Pháp, Francois Mitterrand (26/10/1916, tức 30/9 Bính Thìn)
Ông là vị Tổng thống tại vị lâu nhất lịch sử nước Pháp, khi đảm nhận cương vị này trong 14 năm, từ 1981 đến 1995. Ông được người dân Pháp xem như vị Tổng thống thành công nhất của nền Đệ ngũ Cộng hòa, vượt trên cả huyền thoại Charles de Gaulles trong hầu hết các cuộc bầu chọn.
Dấu ấn của cố Tổng thống Francois Mitterrand (ông qua đời vào năm 1996) đối với việc kiến tạo nên diện mạo nước Pháp rất nhiều. Những chính sách đối ngoại của cố Tổng thống Mitterrand cũng củng cố chỗ đứng của Pháp trên trường quốc tế, hỗ trợ nhiều nước đang phát triển và giúp nước này xóa đi nhiều định kiến về một cường quốc thực dân. Về điều này, hẳn nhiều người Việt Nam còn nhớ, ông Mitterrand là Tổng thống đầu tiên của nước Pháp và là nguyên thủ phương Tây đầu tiên đến thăm Việt Nam sau năm 1975.
Dưới thời ông Mitterrand, Pháp là nước đi đầu trong việc khai thông quan hệ giữa phương Tây với Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam giải quyết, xóa nợ với các quốc gia thành viên Câu lạc bộ Paris. Những sự giúp đỡ quý giá ấy cũng là một dấu ấn sự nghiệp đậm nét của cố Tổng thống Mitterrand, một danh nhân tuổi Thìn có nhiều đóng góp cho hòa bình của thế giới.
Nguyễn Khánh