Hà NộiCụ ông 70 tuổi, bị thương ở chân trong lúc thu bắt hải sản, sau đó bàn chân sưng nề, khi vào viện đã hoại tử, được chẩn đoán nhiễm Aeromonas, còn gọi vi khuẩn “ăn thịt người”.
Ngày 22/6, bác sĩ Hoàng Mạnh Hà, phụ trách khoa Ngoại Chấn thương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân vào điều trị tích cực ngày thứ 5 trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hoại tử có xu hướng lan lên đùi và bụng. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán viêm mô bào đùi cẳng bàn chân phải do nhiễm Aeromonas.
Aeromonas hydrophila (AH) là loại trực khuẩn gram âm, có thể gây hoại tử nhanh chóng các tổ chức viêm nên được gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”. Chứng bệnh khiến nhiều người bị cắt cụt chân, tay, thậm chí có trường hợp tử vong.
Bác sĩ chỉ định điều trị kháng sinh, hồi sức tích cực và chuyển khoa Chấn thương mổ cấp cứu, cắt lọc tổ chức hoại tử, bơm rửa sạch. Sau mổ ngày thứ nhất, các triệu chứng viêm vùng đùi và vùng hố chậu phải đã giảm, đỡ nề đỏ, da bớt căng phồng và xuất hiện nếp nhăn trên da. Bệnh nhân sau đó được tiếp tục điều trị bằng thay băng nhiễm khuẩn và cắt lọc hoại tử. Sau hơn một tháng, cụ ông được chỉ định phẫu thuật vá da mỏng. Vùng da vá liền hoàn toàn, người bệnh có thể tập phục hồi chức năng cẳng bàn chân phải.
Aeromonas là vi khuẩn phổ biến trong tự nhiên, thường có trong môi trường nước, gây bệnh cho các loài cá, tôm, động vật lưỡng cư. Ba thể bệnh chính gồm: Tiêu chảy do uống nước nhiễm khuẩn; nhiễm trùng đường mật và huyết ở bệnh nhân xơ gan; viêm mô mềm hoại tử, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết ở người khỏe mạnh khi bị xước, tiếp xúc với nước bẩn, bùn có Aeromonas.
Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nhất là khi trên cơ thể có vết xây xát. Những người phải làm việc thường xuyên trong môi trường nước bẩn, nên có trang bị phòng hộ phù hợp. Nếu có dấu hiệu sưng nề, hoại tử ở vùng có vết thương sau khi tiếp xúc nước bẩn, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Thúy Quỳnh