Vệ tinh tầm thấp sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng tự chủ, phát triển hạ tầng số

Việc thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

VietNamNetVietNamNet21/02/2025

Tuy vệ tinh tầm thấp có nhiều lợi ích, nhưng cũng có những vấn đề liên quan đến rác không gian và việc quản lý các vệ tinh nhỏ. Ảnh: TL

Ngày 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết này là cho phép thí điểm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.  

Theo đó, việc thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Việc thí điểm cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp thay thế việc cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho người sử dụng thiết bị đầu cuối.

Việc thí điểm này do Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhưng không quá 5 năm và phải kết thúc trước ngày 1/1/2031.

Theo nghị định này, việc thí điểm vệ tinh tầm thấp phải căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thí điểm theo từng đề án bao gồm: loại hình dịch vụ viễn thông, giới hạn phạm vi triển khai, giới hạn số lượng thuê bao tối đa, tần số sử dụng, điều kiện chấm dứt thí điểm, các yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh, và các yêu cầu, điều kiện cần thiết khác nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp và hướng dẫn, thực hiện việc cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.

Quốc hội cũng giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát hoạt động triển khai thí điểm bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc triển khai vệ tinh tầm thấp có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet ở vùng sâu vùng xa, nơi cơ sở hạ tầng viễn thông chưa phát triển.

Việc triển khai Internet băng rộng vệ tinh sẽ giúp cho các doanh nghiệp, chính phủ, trường học hay cá nhân sống ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể được tiếp cận với dịch vụ Internet tốc độ cao.

Sự xuất hiện của điện thoại vệ tinh được xem là cuộc cách mạng quan trọng nhất trong liên lạc di động hàng thập kỷ. Nhà mạng muốn dùng công nghệ vệ tinh để xóa các vùng lõm sóng – những nơi xây dựng tháp di động hoặc mạng cáp quang không khả thi.

Ước tính, khoảng 350 triệu người trên toàn cầu không được tiếp cận băng rộng di động và công nghệ này đang kỳ vọng đem lại cơ hội cho họ.

Bên cạnh đó, vệ tinh tầm thấp giúp nâng cao khả năng giám sát Trái đất, từ việc theo dõi biến đổi khí hậu, đến giám sát thảm họa thiên nhiên, giám sát môi trường.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, vệ tinh tầm thấp giúp Việt Nam nâng cao khả năng giám sát an ninh, bảo vệ lãnh thổ, và tham gia vào các hoạt động quốc phòng.

Việc có vệ tinh riêng cũng có thể tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc phát triển công nghệ trong nước, tăng cường khả năng tự chủ.

Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai vệ tinh tầm thấp là một hướng đi đầy tiềm năng cho Việt Nam, nhưng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ, nguồn lực, và kế hoạch dài hạn.

Năm 2013, Việt Nam đã phóng vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát Trái đất, được thiết kế để giám sát môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Vệ tinh này hoạt động ở quỹ đạo thấp với độ phân giải hình ảnh cao, chủ yếu phục vụ cho các nhiệm vụ giám sát nông nghiệp, rừng, biến đổi khí hậu và thiên tai.

Đến năm 2018, Việt Nam đã phóng vệ tinh Microsat-1 là vệ tinh nghiên cứu khoa học và quan sát Trái đất phục vụ cho mục đích giám sát môi trường, tài nguyên và thảm họa thiên nhiên. Cả hai vệ tinh tầm thấp của Việt Nam đều được phóng nhờ vào sự hỗ trợ của Ấn Độ thông qua Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Ấn Độ (ISRO).

Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực không gian, giúp Việt Nam có thể phát triển và phóng các vệ tinh của mình.

Các chuyên gia cho rằng, các quốc gia như Mỹ và các công ty tư nhân như SpaceX đang triển khai hàng nghìn vệ tinh tầm thấp (chẳng hạn như dự án Starlink của SpaceX với mục tiêu lên tới 12.000 vệ tinh) để cung cấp dịch vụ toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam có thể bắt đầu với một số lượng vệ tinh nhỏ hơn và mở rộng dần theo thời gian bởi chi phí phóng vệ tinh cũng không hề nhỏ. Chẳng hạn như phóng vệ tinh CubeSat (kích thước nhỏ) sẽ tốn khoảng 100.000 USD đến 500.000 USD (chỉ tính chi phí xây dựng và phóng). Chi phí phóng vệ tinh SmallSat sẽ tốn khoảng 1 triệu USD đến 10 triệu USD. Còn đối với những vệ tinh lớn hơn và phức tạp hơn có thể lên tới 10 triệu USD đến 100 triệu USD.

Như vậy, nếu Việt Nam muốn triển khai một số vệ tinh tầm thấp để phục vụ cho các mục đích giám sát môi trường, liên lạc, hay nghiên cứu khoa học, chi phí ban đầu có thể từ vài triệu USD cho mỗi vệ tinh, chưa kể chi phí phóng và vận hành dài hạn.

Tuy vệ tinh tầm thấp có nhiều lợi ích, nhưng cũng có những vấn đề liên quan đến rác không gian và việc quản lý các vệ tinh nhỏ. Cần phải có quy trình kiểm soát và xử lý tốt vấn đề này để tránh tình trạng vệ tinh cũ, rác vũ trụ gây nguy hiểm cho các vệ tinh khác.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/ve-tinh-tam-thap-se-giup-viet-nam-tang-kha-nang-tu-chu-phat-trien-ha-tang-so-2373506.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available