Vùng đất
Tây Ninh có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, trong đó phải kể đến múa trống Chhay-dăm – loại hình nghệ thuật dân gian của người Khmer ở xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành.
Múa trống Chhay-dăm gắn liền với văn hóa truyền thống của người Khmer, tộc người đông nhất trong số 21 dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo các tài liệu được ghi chép, múa trống Chhay-dăm ở vùng đất này mang nét đặc trưng, khác biệt so với một số tỉnh Nam Bộ. Khoảng năm 1953, cố hoàng thân Campuchia Norodom Sihanouk (1922-2012) đã tặng tòa thánh Tây Ninh một bộ nhạc cụ Khmer, trong đó có 3 chiếc trống Chhay-dăm.
Trống ban đầu chỉ dùng để đánh nhịp phục vụ lễ cúng tại đền thánh, sau này dần có sự phối hợp giữa múa trống với múa long mã, ngọc kỳ lân. Nhiều hộ gia đình ở xã Trường Tây và các xã khác thuộc thị xã Hòa Thành trước đây đã biết múa trống Chhay-dăm, trong đó có chị Cao Thị Thu Loan (sinh năm 1983) hiện là người nối nghiệp gia đình nhiều thế hệ đã “giữ lửa” đam mê truyền nghề múa trống cho các em nhỏ.
Ngoài ra, còn có ông Trần Văn Xén (sinh năm 1957) ở ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành được công nhận là “Nghệ nhân ưu tú” về loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian (múa trống Chhay-dăm trong lễ vía của tôn giáo Cao đài Tây Ninh).
Số lượng trống Chhay-dăm ở Tây Ninh ngày càng được trang bị nhiều hơn, điệu múa trống cũng trở nên phong phú, được cải biên cho phù hợp hơn. Múa trống được biểu diễn trong các dịp đặc biệt như Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây, lễ cúng ông bà Sen Dolta…
Anh Lê Minh Tuấn, nghệ nhân múa trống Chhay-dăm (chồng chị Cao Thị Thu Loan) cho biết anh cùng đội múa thường biểu diễn tại các điểm
du lịch ở Tây Ninh hay tại các chùa Khmer nổi tiếng. Anh Tuấn chia sẻ cấu tạo trống được làm bằng thân cau già, khoét rỗng ruột, phần đầu trống phình to được bịt bằng da trâu hay da trăn khô, phần đuôi trống nhỏ hơn, kết nối với chân trống làm bằng kim loại. Tiết mục múa thường có từ 4 đến 6 cái trống Chhay-dăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh).
Tạp chí Heritage