Đắm mình trong không gian thi vị ở làng hoa trăm tuổi
Festival Hoa – Kiểng lần đầu tiên do tỉnh Đồng Tháp tổ chức, với chủ đề “Tình đất – Tình hoa” sẽ diễn ra trong 7 ngày (từ 30/12/2023 đến 5/1/2024). Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay diễn ra tại thủ phủ đất Sen hồng – Đồng Tháp.
Sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh nghề trồng hoa, kiểng tại khu vực Quảng trường thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). Đồng thời, sự kiện nhằm phát huy giá trị kinh tế các sản phẩm hoa, kiểng, ngành hàng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Từ đó, góp phần xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất Sen hồng đến với du khách gần xa.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng được tổ chức với chín chương trình chính, như: Hội thi trang trí cổng hoa, đường hoa, vườn hoa công sở đẹp; không gian hoa, kiểng; tôn vinh người trồng hoa, kiểng Sa Đéc; Hội thi Thời trang hoa với chủ đề: “Sắc hoa bên dòng Sa Giang”; lễ khai mạc, bế mạc Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc.
Dạo quanh một vòng để cảm nhận không khí tươi vui, tất bật trước khi diễn ra sự kiện Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc, chị Ngô Ngọc Vân (30 tuổi, ngụ thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Nhiều tiểu cảnh trang trí đẹp mắt đang được chuẩn bị cho lễ hội nên tôi ghé qua và chụp ảnh đăng mạng xã hội cho nhiều người thân cùng xem.
Tôi có gọi điện và mời bạn bè về Sa Đéc để thưởng hoa trong những ngày diễn ra sự kiện Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc lần đầu tiên được tổ chức tại thủ phủ hoa kiểng lớn nhất miền Tây”.
Đến thời điểm này, trên khắp các tuyến đường của thành phố Sa Đéc, các cổng hoa, đường hoa, vườn hoa… đã được trang trí rất đẹp mắt, ấn tượng.
Du khách rất dễ dàng bắt gặp và lưu lại nhiều khoảnh khắc đẹp với những chậu hoa khoe sắc, những cổng hoa công phu do 112 đơn vị gồm các hộ dân, doanh nghiệp và các xã phường trưng bày dự thi hưởng ứng Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc được tỉnh Đồng Tháp tổ chức lần đầu tiên.
Buổi lễ khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 20h30 ngày 30/12 tại Quảng trường thành phố Sa Đéc.
Ngắm bình minh và hoàng hôn Ramsar
Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết, hoạt động du lịch tại Tràm Chim luôn đổi mới theo từng thời điểm.
Mục tiêu là hướng đến sự hài lòng của du khách khi ghé thăm khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, với hai tour trải nghiệm thú vị là ngắm bình minh và hoàng hôn Tràm Chim.
Cụ thể, chương trình tham quan tour bình minh Tràm Chim, ngồi trên “Du thuyền miền Tây” ngắm bình minh và khám phá thiên nhiên hoang dã với các loại thực vật, động vật đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, như sen, súng và các loài chim nước tìm thức ăn vào sớm mai.
Tại trạm dừng chân C4, check-in Tràm Chim xưa và nay từ độ cao 15 mét trên đài quan sát. Tham quan bãi lúa ma (hay gọi lúa trời), nhà trưng bày trứng chim và cá nước ngọt…
Tiếp đó, du khách có thể trải nghiệm tour hoàng hôn Tràm Chim với nhiều hoạt động tương tự như tham quan bình minh, trải nghiệm thêm về văn hoá trà và thưởng thức trà sen, hạt sen, chuối nướng. Tham quan nơi làm tranh vỏ tràm và mua sắm đặc sản được bày bán tại khu du lịch này.
“Chúng tôi thay đổi là để phục vụ khách tham quan. Làm sao khi khách đến lần này thì lần sau tiếp tục đến với số lượng nhiều hơn. Chúng tôi mong muốn, Tràm Chim thật sự là lựa chọn của du khách mỗi khi có dịp ghé qua tỉnh Đồng Tháp”, ông Long nói.
Trải nghiệm chợ quê xứ cù lao
Trong khi đó, giữa lòng thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhiều người cảm thấy bất ngờ khi giữa cồn Tân Thuận Đông có khu chợ quê với toàn những món đồng quê, mang đến cho nhiều người cảm giác như được trở về ký ức tuổi thơ.
Tại đây, không khó để bắt gặp ký ức tuổi thơ với rất nhiều món ăn dân dã, đậm chất miền Tây sông nước như bánh xèo, bánh khọt, bánh bò, bánh đúc, bánh lá mít, chuối nướng, khoai lang nướng, bắp nướng và đặc biệt là món si rô đá bào…
Bà Huỳnh Thị Lợi (59 tuổi), tiểu thương chợ quê Tân Thuận Đông, cho biết, nhà bà có truyền thống làm các loại bánh dân gian, chuối sấy, khoai lang sấy.
Từ khi có khu chợ này, gia đình có dịp bày bán nhiều món hơn, nhờ đó mà thu nhập gia đình cũng trở nên ổn định hơn so với trước.
Ngồi cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Ba (50 tuổi) cũng bày bán nhiều thứ kiếm được xung quanh nhà như mớ rau muống đồng, bông súng đồng, bông điên điển, đu đủ, ốc các loại, hến và các loại tôm cá tự nhiên.
Bà Ba cho biết: “Ở đây chuyên bán các loại đồ đồng, ai có gì đem ra bán thứ đó. Từ khi có khu chợ này, ở xứ cù lao này trở nên vui vẻ hơn trước.
Giá cả bình dân lắm, thức ăn nhanh như các loại bánh có giá từ 10.000 – 20.000 đồng. Còn các loại đồ đồng như tôi bán ở đây có giá vài ngàn đồng/ký, tùy loại”.
Từ những điều thú vị vừa nêu, trong những ngày tết Dương lịch, khi ghé qua khu chợ quê Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), chắc hẳn sẽ để lại nhiều ký ức đẹp trong lòng du khách.
Cùng với sự quan tâm khai thác, phát huy thế mạnh tài nguyên bản địa, thúc đẩy các loại hình du lịch văn hóa, cộng đồng, làng nghề, nông nghiệp…, năm 2023, tỉnh Đồng Tháp đón và phục vụ khoảng bốn triệu lượt khách du lịch, tổng thu ước đạt 1.900 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục phấn đấu trong năm 2024 sẽ thu hút 4,2 triệu lượt khách và tổng thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng.