Gần nhất, show thời trang New Tradition đã bị xử phạt khi trình diễn áo yếm với quần nội y khoe vòng ba dung tục. Tuy nhiên trước đây, áo yếm từng là biểu tượng cho sự quyến rũ tinh tế của phụ nữ, đi vào thơ ca Việt Nam với đầy dấu ấn.
Áo yếm – biểu tượng tính nữ trong những tác phẩm văn học nổi tiếng
Áo yếm được ghi nhận lần đầu tiên từ thế kỷ 12 dưới triều Lý. Áo yếm xuất thân là đồ lót, ngày nay được gọi là đồ nội y cho phụ nữ. Theo NTK Sỹ Hoàng, áo yếm được phụ nữ Việt thời xưa diện trong không gian riêng tư như nhà riêng, khi đi ngủ…
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chiếc yếm đầy tính nữ bởi thiết kế khoe được lưng ong (thắt đáy lưng ong), tôn lên vẻ đẹp đường cong mềm mại của phụ nữ.
Theo đó, yếm là một phần trong tổng thể bộ trang phục của người phụ nữ Việt xưa. Yếm được mặc bên trong áo cánh. Phụ nữ thời phong kiến ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi địa vị đều mặc áo yếm theo những cách khác nhau. Áo yếm có thể mặc với áo tứ thân màu nâu tạo nên sự nền nã. Yếm đỏ, yếm đào được mặc với áo mớ ba, mớ bảy rực rỡ cùng thiếu nữ trảy hội ngày xuân…
Trong thơ ca Việt Nam, chiếc yếm luôn xuất hiện như một biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ, đồng thời, cũng là hình ảnh ẩn dụ cho thân phận phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
Từ trong ca dao tục ngữ Việt Nam chiếc yếm đã bước ra, hòa trong ngôn ngữ đầy hình ảnh để thể hiện nhiều lớp ngữ nghĩa về mối liên hệ giữa cuộc đời người phụ nữ với chiếc yếm.
“Thân em như dải yếm đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”, hay, “Con cò lặn lội bờ ao/ Phất phơ hai dải yếm đào gió bay”… Yếm đào trong ca dao còn là phép ẩn dụ cho tình yêu thầm kín, nhưng một cách hẹn ước giữa chàng trai, cô gái: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em lấy chồng rồi trả yếm cho anh”…
Dải yếm còn trở nên nổi tiếng khi đi vào thơ ca của nữ sĩ Hồ Xuân Hương với hình ảnh đầy gợi cảm: “Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Ðôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông” (trích Thiếu nữ ngủ ngày).
Cùng với sự táo bạo, phá vỡ mọi định kiến xã hội trong thơ ca Hồ Xuân Hương, yếm đào xuất hiện với tất cả sự gợi cảm, đòi hỏi, khát vọng tình yêu cháy bỏng của phụ nữ.
Đến thơ ca của Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, yếm đào đã trở thành sức quyến rũ khó cưỡng của người phụ nữ trong mắt nam giới.
Nguyễn Nhược Pháp miêu tả thiếu nữ xinh đẹp trong bài “Chùa Hương” như chạm khắc vào thơ ca hình ảnh kinh điển “Khăn nhỏ, đuôi gà cao/ Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh, áo the mới/ Tay cầm nón quai thao”. Hình ảnh thiếu nữ soạn sửa đi lễ chùa đã khiến biết bao thế hệ độc giả xao xuyến.
Đến Nguyễn Bính, yếm đào đã trở thành “nỗi khổ sở” của nhà thơ khi thấy cô gái mình yêu thương đã có chút thay lòng.
“Nào đâu cái yếm lụa sồi? Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? Nào đâu cái áo tứ thân? Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?” (trích bài thơ Chân quê). Nguyễn Bính tha thiết muốn ngắm nhìn cô gái mình yêu thương trong chiếc yếm lụa sồi, mặc chung với áo tứ thân, bởi đó là sự giản dị, gần gũi, là vẻ đẹp chân phương mà nhà thơ yêu.
Từ thơ ca, chiếc yếm trở nên nổi tiếng, trở thành vẻ đẹp mang tính thời đại, biểu tượng cho phụ nữ Việt một thời.
Đến những tai tiếng phải gánh chịu
Chiếc yếm vốn là thiết rất đơn giản dễ cắt may, dễ mặc, tiện dụng trong đời sống. Cuộc cách mạng áo yếm xảy ra vào thế 20 khi các kiểu áo Tây phương xâm nhập vào Việt Nam với sự ra đời của rất nhiều kiểu yếm mới lạ.
Nếu trước đây, phụ nữ dùng yếm như nội y để che chắn, để diện bên trong trang phục áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy, cùng với cơn lốc biến hóa của thời đại, áo yếm được cách tân và được sử dụng với vai trò, “sứ mệnh” khác hẳn.
Áo yếm được cách tân cùng với áo dài. Áo yếm được sử dụng là công cụ khoe hình thể, khoe số đo ba vòng. Áo yếm được mặc như một chiếc áo cánh bên ngoài, không còn là nội y dùng bên trong.
Bước sang thế kỷ 20, 21, thế hệ trẻ tiếp nhận thời trang áo yếm rất nhanh và biến tấu với “muôn hình vạn trạng”.
Áo yếm được sử dụng mọi nơi mọi chỗ, được mặc đi chơi, dạo phố, dã ngoại. Áo yếm được cách điệu để trình diễn trong thời trang, trên sân khấu.
Áo yếm khơi dậy những phong trào khoe hình thể, chụp hình cùng hoa sen.
Áo yếm khi sử dụng không đúng vai trò, sứ mệnh, không đúng với không gian riêng tư đã nhiều lần bị gánh tai tiếng, bị chỉ trích khi quá hở hang, phản cảm. Nhiều sao Việt, người nổi tiếng “tiếp tay” lan truyền hình ảnh áo yếm phản cảm.
Gần nhất, show thời trang New Tradition đã bị xử phạt khi trình diễn áo yếm với quần nội y khoe vòng ba dung tục.
Theo NTK Sĩ Hoàng, cách biến tấu, sử dụng áo yếm sai cách là sự xuống cấp của đạo đức văn hóa, là quá trình xúc phạm văn hóa truyền thống.
NTK Minh Hạnh cho rằng, nhưng trào lưu này cần phải bị loại bỏ để áo yếm cũng như áo dài được sống đúng với vẻ đẹp, giá trị của mình.