Vàng da là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan hoặc các tình trạng khác như rối loạn tuyến tụy, gan sung huyết.
TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết da vàng đột ngột thường là tình trạng sắc tố màu nâu vàng (bilirubin) tích tụ trong máu. Bilirubin là sản phẩm của quá trình phân hủy hồng cầu, thường đi qua gan để bài tiết. Với người mắc bệnh gan, quá trình bài tiết không xảy ra, làm bilirubin tích tụ dẫn đến vàng da và vàng mắt.
Một số bệnh khác như sỏi mật, tác dụng phụ của thuốc, rối loạn di truyền, bệnh tim có thể làm tăng nồng độ bilirubin gây vàng da.
Viêm gan: Đây là tình trạng gan viêm ảnh hưởng đến sự hấp thu và bài tiết bilirubin, khiến da vàng. Bệnh gồm viêm gan cấp tính (đột ngột và nặng) và mạn tính (dai dẳng và có thể suốt đời).
Viêm gan có thể do các loại virus viêm gan A, B, C, D và E gây ra. Các nguyên nhân viêm gan không do virus bao gồm thuốc, rượu bia, viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu, bệnh gan do rối loạn chuyển hóa sắt hoặc đồng, các bệnh tự miễn.
Xơ gan: Xảy ra khi sẹo lan rộng (xơ hóa) ở gan làm giảm khả năng hoạt động của cơ quan này. Một số nguyên nhân viêm gan mạn tính có thể dẫn đến xơ gan như viêm gan siêu vi B, C, D, sử dụng rượu bia quá mức, tích tụ quá nhiều chất béo trong gan, sỏi đường mật, viêm gan tự miễn…
Xơ gan còn bù xảy ra khi gan tổn thương nhưng vẫn còn hoạt động. Xơ gan mất bù là khi gan không còn đảm bảo chức năng, dẫn đến vàng da và các triệu chứng nghiêm trọng khác. Xơ gan mất bù thường dẫn đến suy gan, ung thư gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ: Tình trạng chất béo tích tụ quá mức trong gan gây viêm và xơ hóa. Triệu chứng bệnh phát triển khi tỷ lệ mỡ trong gan tăng lên cùng với diện tích gan tổn thương. Gan nhiễm mỡ không do rượu có thể tiến triển thành viêm gan, dẫn đến triệu chứng đau tức vùng gan, vàng da.
Tắc nghẽn mật: Bilirubin rời khỏi gan liên kết với mật (do túi mật có chức năng bài tiết), đi qua các ống dẫn nối với tuyến tụy và đổ vào ruột non để bài tiết. Nếu ống mật tắc nghẽn, bilirubin không được đào thải khỏi cơ thể, dễ tích tụ trong máu.
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn mật khác như ung thư đường mật, u nang đường mật, viêm đường mật, biến chứng của phẫu thuật túi mật cũng dẫn đến triệu chứng vàng da.
Rối loạn tuyến tụy: Tuyến tụy được kết nối với túi mật thông qua ống tụy nối vào ống mật chung lớn hơn. Tuyến tụy là một phần của hệ thống mật, sản xuất enzyme giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là protein. Các bệnh ảnh hưởng đến tuyến tụy dễ làm tắc nghẽn ống mật chung và làm giảm dòng chảy bình thường của bilirubin đến ruột non. Rối loạn tuyến tụy có thể gồm viêm tụy cấp, mạn (viêm tuyến tụy), khối u hoặc u nang lành tính và ung thư tuyến tụy.
Bệnh gan sung huyết: Người mắc bệnh gan sung huyết, lưu lượng máu đến gan giảm ảnh hưởng đến lưu lượng máu ra khỏi gan, dẫn đến máu ứ lại và tắc nghẽn trong cơ quan. Tắc nghẽn gây viêm, ảnh hưởng đến hấp thu và bài tiết bilirubin từ gan, gây đau bụng, vàng da nhẹ.
Tác dụng phụ của thuốc: Đây cũng là nguyên nhân làm da vàng đột ngột. Một số loại thuốc có thể dẫn đến nhiễm độc gan và viêm nếu dùng quá mức hoặc uống cùng với rượu.
Vàng da do tan máu: Thường gặp ở người bệnh tan máu bẩm sinh. Theo bác sĩ Khanh, vàng da không chỉ do các bệnh lý từ cơ quan tiêu hóa mà có thể do tình trạng di truyền hiếm gặp gây tăng bilirubin máu như hội chứng Gilbert, hội chứng Crigler-Najjar, hội chứng Rotor. Trong một số trường hợp hiếm gặp, suy tim sung huyết có thể gây vàng da nhẹ.
Vàng da không do tăng bilirubin: Người ăn nhiều thực phẩm giàu carotene như cà rốt, đu đủ, xoài, mơ… có thể vàng da bất thường. Beta caroten là tiền chất của vitamin A trong máu tăng dẫn đến da tạm thời. Đây không phải bệnh và có thể hết khi điều chỉnh chế độ ăn.
Bác sĩ Khanh cho biết mức độ vàng da có thể khác nhau tùy theo bệnh. Bệnh nhẹ thường làm da đổi màu vàng nhẹ. Trường hợp nặng, mắt và da chuyển sang màu vàng sáng, kèm theo triệu chứng như mệt mỏi, đau bụng trên, phân màu nhạt cần đến bác sĩ khám để chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |