Ngày 15/8, tại phiên họp thứ 25, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh tư pháp, nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hình thức trực tuyến.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Video: 15823_-_CHAT_VAN_VA_TRA_LOI_CHAT_VAN.mp4?_t=1692119188
Dự tại điểm cầu Nhà Quốc hội có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch nước, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.
Dự tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh; Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại điểm cầu Thái Bình.Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại điểm cầu Thái Bình.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Đây là phiên chất vấn thứ 4 được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn đều là vấn đề cấp thiết, được cử tri, nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, vì thế cần nhìn nhận, đánh giá chính xác, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo bứt phá cho ngành nông nghiệp. Đồng chí đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đi thẳng vào vấn đề, các bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn đại biểu Quốc hội nêu, đưa ra các giải pháp khả thi. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.
Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu chất vấn đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực thi luật, công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Đại biểu Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ đối với việc còn nợ ban hành 17 văn bản; trong năm nay có xử lý dứt điểm được việc nợ văn bản không?. Trách nhiệm của ngành tư pháp trong việc chậm ban hành văn bản của các bộ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện, đến quyền lợi của người dân.
Đại biểu Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Buổi chiều, các đại biểu chất vấn đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo…
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thái Bình chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số chính sách sẽ được áp dụng trong hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái theo Quyết định số 208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 288/QĐ-BNN-TS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ trưởng các bộ, lãnh đạo một số ngành liên quan đã nghiêm túc nhìn nhận và trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Các thành viên của Chính phủ cũng đã tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu chất vấn.
Kết luận phiên chất vấn, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Phiên chất vấn có 107 lượt đại biểu đăng ký, 54 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 8 đại biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội có sự chuẩn bị kỹ, câu hỏi có chất lượng, sát thực tế đời sống và nguyện vọng của cử tri, nhân dân; các bộ trưởng, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách; giải trình, làm rõ và đề xuất được giải pháp đối với từng vấn đề chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành, ghi nhận các giải pháp, cam kết tại phiên chất vấn.
Đồng chí đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, chủ động đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo trình tự, thủ tục quy định và kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn. Tập trung khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản, đồng thời nâng cao chất lượng ban hành văn bản pháp luật. Chú trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích đấu giá trực tuyến. Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; cập nhật, phân tích, đánh giá toàn diện thông tin, diễn biến thị trường để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản 2023 – 2030. Tiếp tục thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về đánh bắt cá trái phép, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi đánh bắt cá trái phép và vận động Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” về thủy sản đối với Việt Nam.
Thu Hiền