Chồng tôi 26 tuổi, uống nước ngọt thường xuyên, tôi khuyên nhưng không bỏ. Thói quen này về lâu dài có làm tăng nguy cơ ung thư gan không? (Thanh Ngọc, TP HCM)
Trả lời
Đường bao gồm đường tự nhiên và đường bổ sung. Đường tự nhiên có trong trái cây (fructose, glucose…), sữa và sản phẩm được làm từ sữa (lactose). Đường bổ sung là đường và chất tạo ngọt được thêm vào thực phẩm trong quá trình chuẩn bị hoặc chế biến thức ăn. Phần lớn đường bổ sung có trong đồ uống như nước giải khát có đường, bánh, kẹo ngọt.
Nước giải khát có đường (còn gọi là nước ngọt) là bất kỳ thức uống nào được thêm chất tạo ngọt như đường nâu, siro bắp giàu fructose, sucrose, dextrose… Một số loại nước giải khát có đường thường gặp trên thị trường bao gồm soda, nước tăng lực, nước thể thao, trà hoặc cà phê có đường.
Khi ăn thực phẩm (bánh mì, cơm, bún), enzyme tiêu hóa trong nước bọt và dạ dày, ruột giúp phân hủy carbohydrate có trong những thực phẩm này thành đường glucose đi nuôi các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể hấp thụ thực phẩm có đường trực tiếp không qua quá trình chuyển hóa làm đường huyết tăng nhanh.
Lượng đường trong máu cao kích thích tuyến tụy tăng sản xuất insulin, kích hoạt yếu tố tăng trưởng IGF-1 (insulin-like growth factor 1) trong cơ thể. Từ đó, tế bào tăng sinh và phát triển nhanh hơn, dễ phát sinh bất thường, dẫn đến hình thành tế bào ác tính.
Tăng đường huyết do tiêu thụ nhiều đường dẫn đến đề kháng insulin, cơ thể hình thành các tế bào mỡ giải phóng các cytokine gây viêm mạn tính, góp phần phát triển tế bào ung thư.
Đường là thành phần năng lượng quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên, chế độ ăn uống nhiều thực phẩm có đường, nhất là uống nước giải khát có đường, dễ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường type 2 và một số bệnh ung thư (ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư gan…).
Theo nghiên cứu công bố tháng 8/2023 trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), thói quen tiêu thụ trên 355 ml đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư gan và tử vong do bệnh gan mạn tính. Nghiên cứu còn cho thấy thói quen dùng nhiều đồ uống có đường còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ khảo sát ở phụ nữ mãn kinh và chưa loại trừ các chế độ ăn khác nên kết quả có thể bị ảnh hưởng.
Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) khuyên mọi người nên hạn chế sử dụng thức uống có đường hoặc chất tạo ngọt nhân tạo để phòng ngừa ung thư và các bệnh mạn tính khác. Thay vào đó nên uống nhiều nước và các thức uống không đường.
Hiệp Hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị phụ nữ không nên dùng quá 6 thìa cà phê đường bổ sung (25 g hoặc 100 calo) mỗi ngày và nam giới không dùng quá 9 thìa cà phê (36 g hoặc 150 calo).
Ví dụ, nếu uống một lon soda (tương đương 355 ml) là cơ thể đã tiêu thụ 8 thìa cà phê đường bổ sung (tương đương 32 g).
Để phòng ngừa ung thư, chồng bạn nên hạn chế uống nước ngọt, có chế độ dinh dưỡng cân bằng và duy trì cân nặng phù hợp. Thực đơn hàng ngày nên tăng cường rau xanh, củ quả, trái cây, giảm thực phẩm chứa nhiều đường góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh gan, tim mạch, đái tháo đường và các bệnh mạn tính khác.
Bệnh nhân đang điều trị ung thư gan và các bệnh ung thư nói chung có thể trao đổi với bác sĩ chuyên khoa Ung bướu, Dinh dưỡng để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Phúc
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |