Có người từng cho rằng, muốn biết ai giàu, ai nghèo thì hãy đến bệnh viện, nhất là những bệnh viện Trung ương tuyến cuối, bệnh viện lớn là thấy ngay!
Mới đây, đến thăm thân nhân đang điều trị ở một bệnh viện Trung ương, được chứng kiến tận mắt câu chuyện của hai bố con, tôi không khỏi chạnh lòng. Bố ở tuổi 53 mà da, dáng, mặt mày hom hem, nhăn nhúm chẳng khác mấy ông lão ở tuổi thất thập. Anh con trai ngoài 20 tuổi mà thân thể gầy gò, da dẻ tái xám. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, hai bố con lại quá mải mê với cuộc sống mưu sinh nơi vùng cao mà ít quan tâm, chăm lo cho sức khỏe. Khi bệnh đã nặng mới xuống Thủ đô khám thì bác sĩ đều yêu cầu phải nhập viện và can thiệp phẫu thuật ngay để bảo toàn sức khỏe. Cả gia đình phải bán gần như hết lợn, gà và chạy đôn chạy đáo mới đủ số tiền 50 triệu đồng để nộp cho bệnh viện trước khi lên bàn mổ. Đề nghị mãi, hai bố con mới được bệnh viện xếp lịch mổ trong một ngày. Mổ xong, người con đau nặng hơn thì được gia đình ưu tiên cho nằm ở phòng điều trị có giường nằm theo yêu cầu (hạng thấp nhất) với số tiền 400.000 đồng/ngày đêm. Còn bố thì nằm ở phòng điều trị phổ thông.
Bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp nằm điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh minh họa: nhandan.vn |
Hai phòng chỉ cách một bức tường, diện tích như nhau, đều có 10 giường bệnh, mỗi phòng đều lắp hai chiếc điều hòa. Riêng phòng điều trị có giường nằm theo yêu cầu thì có thêm chiếc tủ lạnh, máy lọc nước uống tại chỗ và máy điều hòa chạy suốt ngày đêm; còn phòng kia, máy điều hòa đóng im ỉm từ ngày này qua ngày khác. Ở phòng điều trị có giường nằm theo yêu cầu có điều hòa, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hẳn. Còn phòng điều trị phổ thông thì dù mỗi bệnh nhân được phép mua một chiếc quạt điện to bằng khoảng hai bàn tay để sử dụng nhưng không khí trong phòng vẫn ngột ngạt vì hơi nóng, hơi người bủa vây tứ phía.
Sau 3 ngày nằm ở phòng có điều hòa mát mẻ, người con trai thương bố phải chịu cảnh nóng nực nên đề nghị nhân viên y tế chuyển bố sang điều trị ở phòng mình, còn mình thì tự nguyện sang nằm ở phòng bố. Anh vừa dứt lời, thay vì giải thích nhẹ nhàng, ân cần cho bệnh nhân hiểu, cô nhân viên y tế nói một câu như quở trách: “Bệnh viện chứ có phải cái chợ đâu mà các anh thích di chuyển tùy tiện được!”.
Nằm nhiều ngày ở phòng điều trị phổ thông, do không khí oi nồng, bức bí, mấy bệnh nhân cao tuổi đề nghị nhân viên y tế mở điều hòa cho khoảng một tiếng đồng hồ giữa buổi trưa, thì nhận được câu trả lời dứt khoát, lạnh lùng: “Bệnh viện tự chủ phải lo đủ thứ, cho nên điện, nước phải sử dụng đúng mục đích, đúng nơi, đúng chỗ. Nếu bệnh nhân nào muốn mát mẻ, sạch sẽ hơn thì đóng thêm tiền để được sang phòng điều trị có giường nằm theo yêu cầu!”.
Được biết, hiện nay, một số bệnh viện đang trong quá trình thực hiện tự chủ về tài chính. Đây là chủ trương đúng, nhưng nếu các bệnh viện tìm mọi cách tận thu người bệnh để có nhiều tiền và chỉ quan tâm đến những bệnh nhân giàu, bệnh nhân khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế vẫn bị thiệt đơn, thiệt kép.
Một chế độ y tế nhân văn là phải quan tâm, chăm sóc mọi bệnh nhân như nhau. Đối với bệnh nhân nghèo, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa thì bệnh viện càng phải chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho họ được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ y tế thuận lợi. Trong khi cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, trang thiết bị y tế của các bệnh viện công do Nhà nước đầu tư, xây dựng, mua sắm, vậy tại sao có bệnh viện vẫn thể hiện thái độ thiếu công bằng khi khám, chữa bệnh, chăm sóc cho các đối tượng bệnh nhân? Làm nghề y mà chỉ nghĩ đến đồng tiền, làm mọi cách để thu nhiều tiền vào túi mà không ứng xử bình đẳng, công tâm với những bệnh nhân nghèo, liệu tấm áo blouse có giữ được sự trắng trong của tâm hồn, lương tri người thầy thuốc?
NGÔ MINH