Công việc này bà Yến đã làm hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ bà thấy mệt mỏi hay chán nản. “Nấu ăn nói thì dễ nhưng để gắn bó với nó tôi nghĩ cần có tấm lòng và đặc biệt làm không nệ công như thế này”, bà Yến chia sẻ.
Để kịp nấu cả ngàn suất cơm 0 đồng, bà Yến và những người khác không có phút nào ngơi tay. “Gạo và một số rau củ quả đều được các nhà hảo tâm góp cho. Các nguyên liệu này chúng tôi phải tính toán để làm sao thay đổi món, nấu luân phiên món ăn hằng ngày nhưng dinh dưỡng”, bà Yến nói rồi bắc nồi cơm lên bếp.
Bếp ăn tình thương chỉ vỏn vẹn khoảng 30m2 nhưng được bà Yến và các cô chú khác bố trí ngăn nắp, gọn gàng. Bếp dùng nấu ăn cũng chỉ là cái bếp gas lớn.
Nhận một phần cơm, bà Lê Thị Ánh Thu (ở xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc) nói: “Con tôi bệnh thận nằm điều trị ở đây lâu rồi. Nhà khó khăn không đủ tiền trị bệnh cho con tôi nhưng may mắn có bếp ăn tình thương này cho cơm, cháo miễn phí nên tôi đỡ lắm.
Cơm đây các cô nấu ngon đúng vị nhà làm. Rơi vào cảnh ngặt nghèo này dù có khi bữa cơm có rau, củ hay đậu hũ nhưng cô chú bỏ công nấu thì quý biết bao nhiêu“.
Một cảnh đời riêng khác là chị Đỗ Bích Tuyền lại là những chia sẻ qua lúc ngặt: “Nếu không có bếp ăn này, tôi có đi vất vả lượm ve chai ngoài đường cũng chưa chắc có đủ cái ăn cho con. Nhà nghèo, con đông, chồng đi biển quần quật cả năm cũng không có dư dả gì, may mắn tôi biết được bếp ăn này rồi xin vô phụ việc“.
Bếp ăn tình thương ở Trung tâm Y tế TP Phú Quốc được thành lập từ năm 2003. Để bếp đỏ lửa nấu lên những suất ăn yêu thương, ngoài vận động nhà hảo tâm, bà Nguyễn Thị Cẩm Chí – phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo phường Dương Đông (TP Phú Quốc) – có lúc còn bỏ tiền túi ra 100 triệu đồng mua thực phẩm nấu cho bệnh nhân nghèo.
“Ai có của giúp của, ai có sức góp công. Làm việc không ai nạnh ai và rất vui vẻ. Miễn sao bà con nghèo, bệnh nhân nghèo vượt qua nghịch cảnh thì tôi và các cô chú còn lại đều nhiệt tình ủng hộ hết”, bà Chí hào sảng nói rặt theo lối miền Tây.
Người dân Phú Quốc nghĩa tình và hào sảng giúp đỡ nhau trong những lúc thắt ngặt khó khăn là vậy. Do đó, ngoài 1.000 suất cháo, cơm mỗi ngày, địa phương còn thành lập ngân hàng máu sống (hiện khoảng 40 – 50 người) sẵn sàng cho máu khi có người bệnh cần.
Giúp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có mái ấm gia đình
Chị Trần Thị Bích Liễu – người nhận nuôi cháu trai bị bỏ rơi ở Phú Quốc – cho biết khi hay tin Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo phường Dương Đông vừa giúp đỡ một bé trai bị bỏ rơi và địa phương thông báo tìm người thân (nhưng đến nay không ai nhận cha mẹ ruột hay người thân của cháu) chị đã tìm đến.
“Mấy ngày nay tôi ở đây với cháu và đang làm thủ tục xin con nuôi vì không có cha mẹ ruột đến nhận”, chị Liễu chia sẻ.
Bà Cẩm Chí cũng cho biết Phú Quốc những năm gần đây dân tứ xứ cũng đổ về mần ăn sinh sống nhiều và người lao động nghèo cũng không ít. Cuộc sống khó khăn, nghèo khổ nên kéo theo số ít người sinh con ra rồi không đủ điều kiện nuôi đem đi cho hoặc bỏ rơi.
“Các cháu bị cha mẹ bỏ rơi, chúng tôi hay được đều giúp đỡ và vận động để chăm lo đến khi các cháu có gia đình mới”, bà Chí nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/com-0-dong-ngon-dung-vi-nha-lam-cua-nguoi-dan-phu-quoc-20241014092225872.htm