Người bệnh ung thư vú được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị hiệu quả cao, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể hơn 90%.
Ngày 12/4, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng trước đây ung thư vú chủ yếu được phát hiện tình cờ, khi bệnh ở giai đoạn muộn bộc lộ rõ triệu chứng. Hiện nhiều phụ nữ chủ động khám sức khỏe định kỳ nhờ tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, hiểu được tầm quan trọng của tầm soát ung thư.
Tầm soát ung thư vú giúp phát hiện sớm các bất thường ở ngực của người khỏe mạnh, chưa có triệu chứng (u, tiết dịch nhũ hoa…). Các phương phương tiện tầm soát (siêu âm, nhũ ảnh, MRI…) và điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nội tiết, sinh học, miễn dịch) giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện bệnh sớm và chữa hiệu quả.
Điều trị ở giai đoạn sớm, người bệnh được giảm liều hoặc không sử dụng các loại thuốc hóa trị, nội tiết…, hạn chế tác dụng phụ. Người bệnh cũng giảm chi phí điều trị và gánh nặng tinh thần, tỷ lệ điều trị khỏi và chất lượng cuộc sống được nâng cao. Bệnh ở giai đoạn muộn, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn chi phí nhưng hiệu quả kém.
Theo bác sĩ Tấn, phát hiện sớm tạo điều kiện dễ tái tạo ngực, đảm bảo thẩm mỹ cho người bệnh. Người bệnh ung thư vú ở giai đoạn 0, điều trị kịp thời có cơ hội chữa khỏi đến 100%. Với các giai đoạn sớm 1-2, tỷ lệ sống sau 5 năm khoảng 99%, giai đoạn 3-4 lần lượt là 80-86%, 25-30%.
Nằm trong nhóm tuổi tầm soát ung thư, bà Quyên, 50 tuổi, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra. Kết quả siêu âm, sinh thiết của bà ghi nhận u 1,1×0,5×1,1 cm, gần kề có thêm nốt 0,7×0,2 cm rõ nét, độ đàn hồi cứng.
Bác sĩ Tấn cho biết sang thương ngực phải của bà Quyên xếp loại BIRADS 4A, nghĩa là tỷ lệ ác tính 2-10%. Để xác định chính xác và không bỏ sót ung thư, bác sĩ chỉ định cho bà chọc hút bằng kim nhỏ (FNA), phát hiện carcinom tuyến vú phải (ung thư biểu mô).
Bà Quyên được phẫu thuật cắt tuyến vú phải, sinh thiết hạch gác cửa, đồng thời lấy vạt da cơ phía sau lưng bên phải tái tạo ngực. Sau phẫu thuật, bà tiếp tục hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư còn sót có nguy cơ tái phát.
Tương tự chị Trinh, 45 tuổi, siêu âm cho thấy có sang thương hình thái không đều, giới hạn không rõ, bờ tạo gai, mạch máu ngoằn ngoèo và độ đàn hồi cứng. Sau khi sinh thiết, bác sĩ chẩn đoán chị Trinh mắc ung thư vú giai đoạn 0. Người bệnh chọn phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú bị ung thư, đoạn nhũ phòng ngừa vú đối bên và tái tạo hai ngực bằng cách đặt cách túi ngực, đảm bảo thẩm mỹ.
Nhờ phát hiện sớm, u chưa xâm lấn nên chị Trinh chưa phải xạ trị sau mổ, không cần tầm soát ung thư vú và không cần uống thuốc 5 năm. Cơ hội chị Trinh khỏi bệnh ung thư vú lên đến 100%, nguy cơ tái phát thấp, theo bác sĩ Tấn.
Bác sĩ Tấn cho biết ung thư vú có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), năm 2020 nước ta có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, đứng thứ ba trong các loại ung thư. Đến năm 2022 ca mắc mới ung thư vú đứng đầu, với hơn 24.500 trường hợp.
Ung thư vú giai đoạn sớm chưa xâm lấn rộng ra ngoài ngực, chưa di căn. Triệu chứng giai đoạn sớm thường không đặc trưng, có thể gồm ngực sưng nề, đau ở ngực nhất là khu vực có khối u, xuất hiện u ở dưới nách hoặc ngực, đau nhũ hoa, da ngực có dấu hiệu lõm xuống hoặc co kéo, nhũ hóa tiết dịch bất thường. Một số trường hợp có thể bị thay đổi kích thước ngực.
Bác sĩ Tấn khuyên phụ nữ có thói quen tự khám ngực tại nhà, khám ngực định kỳ tại cơ sở y tế, tầm soát phát hiện ung thư vú, nhất là khi sờ thấy ngực có u hoặc bất thường khác như da ngực sưng và dày lên, nhũ hoa tụt vào trong… Phụ nữ sau 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh hàng năm. Phụ nữ trẻ dù không có người thân bị ung thư vú hay các yếu tố nguy cơ (đột biến gene BRCA1-2) cũng nên đi khám thường xuyên.
Nguyễn Trăm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |