Bánh chưng xanh Lương Huế, thị trấn Ðạ Tẻh, huyện Ðạ Huoai, tỉnh Lâm Ðồng được làm từ hạt nếp quýt Ðạ Tẻh dẻo thơm, đã trở thành thương hiệu uy tín và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ðể đạt được kết quả này, cơ sở sản xuất đã chuẩn hóa quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bánh chưng xanh Lương Huế được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. |
Cơ sở sản xuất sản phẩm bánh chưng Lương Huế ở vùng đất có thương hiệu “Nếp quýt Ðạ Tẻh” đang trong những ngày sản xuất cao điểm. Vừa tập trung xử lý những đơn đặt hàng dồn dập, chủ cơ sở Lương Thị Huế vừa chia sẻ, bánh chưng là sản phẩm không thể thiếu trong gia đình người Việt Nam những ngày Tết.
Vì vậy, thời điểm kề cận Tết cổ truyền của dân tộc là dịp sản xuất cao điểm của cơ sở. Gia đình chị Huế đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm bánh chưng. Ðể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, chị thành lập cơ sở sản xuất và tập trung xây dựng sản phẩm bánh chưng xanh Lương Huế đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, lan tỏa thương hiệu trên thị trường.
Cùng những công đoạn cần sản xuất theo kiểu truyền thống, cơ sở sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để cung ứng thị trường những chiếc bánh chưng xanh vừa đẹp, ngon và sạch. “Bánh chưng là loại bánh rất đặc biệt, vừa phải bảo đảm kỹ thuật nấu, nguyên liệu truyền thống để giữ được hương vị cổ truyền. Ðồng thời, chúng tôi phải ứng dụng công nghệ cao, hướng tới sản xuất lớn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu và bảo hộ nhãn hiệu”, chị Lương Thị Huế cho biết.
Bánh chưng xanh Lương Huế được làm từ hạt nếp quýt Ðạ Tẻh và nhân đậu xanh, thịt heo do chính nông dân địa phương làm ra; lá dong đặc trưng của bánh chưng cũng được thu hái từ những nhà vườn trong khu vực.
Tuy nhiên, khác với những gia đình gói bánh chưng theo kiểu truyền thống, cơ sở bánh chưng Lương Huế đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, lắp đặt dây chuyền, chuẩn hóa quy trình sản xuất và đang mở rộng quy mô để hướng tới sản xuất lớn.
Chị Huế chia sẻ: “Lá muốn đẹp, mềm, dễ gói và bánh chưng giữ màu sắc lâu, bắt mắt phải có máy ép màu lá. Máy thái thịt cũng phải có công suất lớn để bảo đảm những thớ thịt được cắt vừa đẹp, vừa đủ trọng lượng. Ðể bảo quản bánh lâu dài, bảo đảm chất lượng, chúng tôi sắm máy ép chân không công suất lớn”.
Sản phẩm bánh chưng xanh Lương Huế của Cơ sở sản xuất kinh doanh Lương Thị Huế đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP cũng là dịp để cơ sở đánh giá lại toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị cũng như quy trình sản xuất, giúp cơ sở điều chỉnh hợp lý.
Theo chị Huế, sản xuất sản phẩm truyền thống cũng phải ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ hiện đại mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hơn 10 năm chuyên làm bánh chưng cung cấp cho thị trường, cơ sở của chị Huế đã tạo được uy tín thương hiệu bánh chưng xanh Lương Huế tại địa phương.
“Cơ sở chúng tôi cung cấp bánh chưng quanh năm, bảo đảm nhu cầu của người dân hằng ngày, cũng như trong dịp đám cưới, giỗ chạp và các bữa tiệc gia đình”, chị Lương Thị Huế tự hào chia sẻ.
Với quy trình, công nghệ đang áp dụng, cùng uy tín thương hiệu sản phẩm, hiện cơ sở sản xuất kinh doanh Lương Thị Huế đang mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất bánh chưng mang thương hiệu Lương Huế tại thành phố Bảo Lộc và hướng tới thị trường thành phố du lịch Ðà Lạt.