Tổng thống Zelensky nói Ukraine cần tới 50 khẩu đội tên lửa phòng không Patriot để bảo vệ các thành phố và đơn vị trên tiền tuyến.
Trong cuộc phỏng vấn được Wall Street Journal đăng ngày 3/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này muốn phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho chiến dịch phản công sắp tới. “Chúng tôi muốn một số thứ cụ thể và không thể chờ đợi nhiều tháng”, ông Zelensky nói.
Theo ông Zelensky, Ukraine cần thêm tên lửa phòng không Patriot để bảo vệ các thành phố và đơn vị quân đội trên tiền tuyến. Ukraine hiện sở hữu hai khẩu đội Patriot, song ông Zelensky muốn có tới 50 khẩu đội do đây là “hệ thống duy nhất có khả năng đánh chặn một số tên lửa tiên tiến của Nga”.
Mỗi khẩu đội Patriot hoàn chỉnh gồm một xe chỉ huy, một đài radar cảnh giới và dẫn bắn, xe phát điện, đài thông tin liên lạc cùng 6-8 bệ phóng. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, mỗi khẩu đội Patriot có giá khoảng 1,1 tỷ USD.
Để triển khai các hệ thống trong một khẩu đội Patriot cần 50-60 binh sĩ. Sau khi triển khai, bộ phận duy nhất cần thao tác của con người là đài điều khiển hỏa lực với kíp ba người. Tuy nhiên, Patriot vẫn cần 20-30 người vận hành và bảo dưỡng thường xuyên.
Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố Ukraine sẵn sàng khởi động chiến dịch phản công và “tin tưởng mạnh mẽ sẽ giành chiến thắng”, song nhận định điều này có thể mất thời gian dài và phải trả giá đắt.
Ông Zelensky cũng thừa nhận Nga chiếm ưu thế trên không tại tiền tuyến và cảnh báo nếu thiếu phòng không, “một lượng lớn binh sĩ Ukraine sẽ thiệt mạng trong đợt phản công”.
Nga gần đây tăng cường dùng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tập kích các mục tiêu Ukraine. Giới chuyên gia phương Tây nhận định đây là nỗ lực của Nga nhằm vô hiệu hóa các tổ hợp phòng không của Ukraine, đặc biệt là hệ thống Patriot, cũng như nhằm làm cạn kiệt đạn phòng không của đối phương khi buộc họ liên tục khai hỏa tên lửa đắt tiền để đối phó với UAV hoặc tên lửa giá rẻ.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/5 thông báo phá hủy tổ hợp phòng không Patriot mà Ukraine triển khai tại thủ đô Kiev. Quân đội Ukraine sau đó kêu gọi dân chúng “không cần lo lắng về số phận của Patriot”. Một quan chức Mỹ cho biết tổ hợp Patriot tại Kiev có thể bị hư hại, song không bị phá hủy sau trận tập kích của Nga.
Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được quân đội nước này biên chế từ năm 1981. Biến thể Patriot PAC-2 có thể bắn trúng mục tiêu cách hơn 96 km và bay cao hơn 32.000 m, theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ.
Biến thể mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Nguyễn Tiến (Theo WSJ, RT)