Ukraine nên dùng xe tăng T-64 cũ để mở đường qua bãi mìn, thay vì huy động khí tài hiện đại như Leopard và Abrams, theo chuyên gia phương Tây.
“Ukraine không nên mạo hiểm điều động xe tăng hiện đại nhất trong biên chế để đột phá bãi mìn. Những chiếc T-64 lạc hậu từ thời Liên Xô phù hợp với nhiệm vụ này vì chúng có thể dễ dàng được vứt bỏ, trong khi xe tăng Leopard và Abrams sẽ hiệu quả hơn khi họ vượt qua được bãi mìn”, Dan Rice, sĩ quan lục quân Mỹ về hưu từng làm cố vấn cho quân đội Ukraine, nêu quan điểm hôm 22/8.
Trong giai đoạn đầu chiến dịch phản công lớn được phát động hồi đầu tháng 6, các chỉ huy Ukraine đã điều động nhiều xe tăng Leopard 2A4 và 2A6 hiện đại, cùng xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley để thăm dò và tìm điểm yếu trong phòng tuyến Nga.
“Các xe tăng Leopard nhanh chóng bị cản bước và mắc kẹt giữa những bãi mìn dày đặc trong phòng tuyến đa tầng của Nga. Đây là bài học cay đắng cho quân đội Ukraine”, Marina Miron, nhà nghiên cứu chiến tranh thuộc Đại học Hoàng gia London, nhận xét.
Ukraine thừa hưởng hàng nghìn chiếc T-64 sau khi Liên Xô tan rã. Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố cho thấy quân đội Ukraine còn sở hữu khoảng 250 xe tăng chủ lực T-64BV, cùng khoảng 50 chiếc T-64BM Bulat được hiện đại hóa toàn diện vào đầu năm 2023.
Xe tăng T-64 được Liên Xô phát triển trong thập niên 1960 với nhiều công nghệ đột phá vào thời đó như giáp phức hợp (composite), pháo nòng trơn cỡ 125 mm với hệ thống nạp đạn tự động, cho phép rút gọn kíp lái chỉ còn ba người. Khi mới ra mắt, T-64 được đánh giá là xe tăng hiện đại nhất thế giới, chỉ được trang bị cho các sư đoàn tăng chủ lực của Liên Xô.
Ukraine đã tiến hành nhiều đợt nâng cấp để duy trì sức chiến đấu cho lực lượng T-64, trong đó phiên bản T-64BM được đánh giá là có tính năng không thua kém mẫu T-72B3 hiện đại của Nga. Dù vậy, số lượng xe được nâng cấp lên chuẩn Bulat quá ít và không tạo được đột phá trên chiến trường.
Những gói viện trợ từ phương Tây đã bổ sung hơn 100 xe tăng Leopard 1, Leopard 2 và Challenger 2 cho các lữ đoàn thiết giáp Ukraine. Các đơn vị này được coi là “nắm đấm thép” của Kiev, được kỳ vọng sẽ giúp họ xuyên thủng phòng tuyến của Moskva.
Tuy nhiên, bãi mìn dày đặc và lực lượng bộ binh trang bị tên lửa dẫn đường, cùng ưu thế áp đảo về pháo binh và không quân của Nga đã khiến các lữ đoàn thiết giáp Ukraine chịu tổn thất nặng nề.
Theo báo cáo tổng hợp của Oryx, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Hà Lan, Ukraine đã mất ít nhất 6 xe tăng Leopard 2A4 và 9 chiếc Leopard 2A6 đời mới hơn. Giới chuyên gia phương Tây cảnh báo con số thực tế có thể còn cao hơn mức này.
“Những chiếc Leopard thể hiện uy lực tốt nhất khi xạ kích mục tiêu Nga trong lúc cơ động với tốc độ cao. Tôi sẽ giữ chúng trong vị trí dự bị cho đến khi đột phá được bãi mìn hoặc bao vây được đơn vị đối phương”, Rice nói.
Chuyên gia Miron cho rằng triển khai xe tăng phương Tây ở mặt trận Zaporizhzhia là quyết định mạo hiểm. Đây là khu vực được bố trí những bãi mìn và công sự dày đặc, trong khi địa hình rộng lớn và bằng phẳng cũng giúp binh sĩ Nga dễ dàng phát hiện mục tiêu từ xa để chuẩn bị phương án đối phó.
Thời gian có thể không ủng hộ Ukraine. “Cơ hội sử dụng xe tăng phương Tây tại Zaporizhzhia đang nhỏ dần, khi mùa thu và các cơn mưa sắp tới. Địa hình bùn lầy có thể khiến xe tăng Leopard và Challenger 2 mắc kẹt. Lựa chọn khôn ngoan nhất bây giờ sẽ là hạn chế phung phí những khí tài đắt tiền”, chuyên gia Miron nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Newsweek)