Giới chức Lugansk tuyên bố phát hiện mảnh vỡ mồi bẫy ADM-160B, thiết bị được ví như “tiêm kích ma” do Mỹ phát triển để đánh lừa phòng không.
“Các sĩ quan cảnh sát đã phát hiện mồi bẫy của đối phương ở trung tâm thành phố Lugansk. Dữ liệu sơ bộ cho thấy đây là hệ thống ADM-160B được chế tạo ở Mỹ”, cơ quan nội vụ Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng cho biết hôm nay.
Hình ảnh được truyền thông Nga công bố cho thấy các bộ phận của thiết bị bay màu xám, với dòng chữ “ADM-160B” và nhiều thông số kỹ thuật trên thân. Giới chuyên gia nhận định thiết bị này có thể được Ukraine triển khai để gây khó khăn cho lưới phòng không Nga tại Lugansk, khiến họ gặp thách thức khi đối phó đòn tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Kiev.
Lãnh đạo LPR Leonid Pasechnik trước đó thông báo Ukraine đã phóng hai tên lửa đạn đạo chiến thuật Grom-2 vào thủ phủ Lugansk tối 12/5. Các quả đạn phá hủy hoặc làm hư hại tòa nhà điều hành tại một cơ sở đóng gói và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa, đồng thời làm vỡ cửa kính nhiều ngôi nhà gần đó.
Giới chức Lugansk khẳng định hai khu vực đã bỏ hoang từ lâu và không có người thiệt mạng, thêm rằng cuộc tập kích khiến ít nhất 7 người bị thương, gồm 6 trẻ em và nghị sĩ Nga Viktor Volodatsky.
Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Chương trình ADM-160 “MALD” ra đời từ thập niên 1990 dựa trên chiến thuật nghi binh trong chiến tranh. Quân đội Mỹ muốn sử dụng tên lửa hành trình đóng giả thành các “tiêm kích ma” để đánh lừa hệ thống phòng không đối phương, làm phân tán khả năng đánh chặn và cho phép tên lửa thực sự bay tới đích.
Vai trò đánh lừa mạng lưới phòng không đối phương trước đó thường do các máy bay không người lái thực hiện. Tuy nhiên, MALD là hệ thống hoàn toàn khác về mục đích chế tạo và tính năng. Vũ khí này có thể được phóng từ nhiều loại phi cơ, từ tiêm kích F-16 đến vận tải cơ hạng nặng, kèm theo khả năng giả dạng thành nhiều loại máy bay quân sự trong biên chế Mỹ hiện nay.
ADM-160B là phiên bản hoàn chỉnh đầu tiên của dự án MALD, được đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 2009. Mỗi chiếc bán cho quân đội Mỹ có giá 322.000 USD, đạt tầm bay hơn 900 km và có khả năng lượn liên tục trên vùng trời gần mục tiêu.
Vũ Anh (Theo Ria Novosti, Drive)