Đòn tập kích phá hỏng tiêm kích MiG-29 cho thấy UAV tự sát Nga đã có thể vươn tới nhiều mục tiêu mới, trong đó có phi đội không quân Ukraine.
Video đăng trên mạng xã hội hôm 19/9 cho thấy máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet của Nga tấn công tiêm kích MiG-29 đậu tại căn cứ Dolgintsevo gần thành phố Kryvyi Rih thuộc tỉnh Dnipro, miền trung Ukraine. Đây là nơi từng được coi là căn cứ an toàn cho tiêm kích Ukraine, do nằm ngoài tầm tấn công của UAV Lancet.
Trong bài viết trên Forbes, chuyên gia quân sự David Axe cho rằng đòn đánh có thể đã phá hỏng radar và thiết bị điện tử của tiêm kích MiG-29, nhưng không gây tổn thất quá lớn với không quân Ukraine. Lực lượng này biên chế hàng chục chiếc MiG-29 và có thể dễ dàng sửa chữa, khôi phục khả năng chiến đấu cho tiêm kích bị tấn công.
“Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là căn cứ Dolgintsevo nằm cách tiền tuyến ở miền nam Ukraine tới 70 km, cho thấy UAV tự sát Nga dường như đạt tầm bay xa hơn công bố trước đó”, Axe viết.
Lancet là mẫu UAV tự sát được Nga triển khai nhiều nhất và đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất trong chiến dịch tại Ukraine, với hơn 500 mục tiêu của Kiev bị tấn công trong vòng 13 tháng kể từ khi loại vũ khí này bắt đầu tham chiến.
Tuy nhiên, phiên bản Lancet nguyên gốc mang mã “Izdeliye 52” chỉ có tầm bay khoảng 40 km, khiến lực lượng Nga không thể tập kích các căn cứ không quân chủ lực của Ukraine ở hậu phương. Điều này giúp Ukraine triển khai các phi đội MiG-29 và Su-27 tới gần tiền tuyến hơn nhằm tăng hiệu quả tác chiến.
Tình hình có thể bắt đầu thay đổi từ tháng 8, khi hãng sản xuất Zala Aero phát triển biến thể Lancet mang mã “Izdeliye 53” có tầm bay gần 70 km. Zala Aero mô tả đây là “bước tiến hóa tiếp theo của dòng Lancet”, đánh giá dòng UAV này “gần như không thể bị đánh chặn”.
Chuyên gia Axe cho rằng đòn tập kích sân bay Dolgintsevo có thể là màn ra mắt của phiên bản Lancet mới, thêm rằng điều đáng lo ngại không kém là toàn bộ cuộc tấn công được ghi lại bởi UAV trinh sát trên cao, cho thấy lưới phòng không Ukraine tại sân bay không hoạt động hoặc đã để lọt phi cơ Nga.
“Phiên bản Lancet với tầm bay trên 70 km không chỉ đe dọa phi đội MiG-29 ở Dolgintsevo, mà còn có thể nhắm tới những máy bay sử dụng căn cứ dự bị Voznesensk ở tỉnh Mykolaiv. Ukraine sẽ phải sơ tán máy bay đến những căn cứ ở xa tiền tuyến hơn, tăng cường mạng lưới phòng không ở những địa điểm dễ tổn thương và che chắn phi cơ kỹ càng hơn”, chuyên gia Mỹ nhận định.
Trong suốt cuộc xung đột, ưu thế áp đảo về không quân của Nga đã buộc Ukraine phải chạy đua phân tán vũ khí và nhân lực để giảm thiểu thiệt hại.
Tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE), nói rằng phi công Ukraine “gần như không bao giờ cất cánh và hạ cánh tại cùng một sân bay”. Mạng lưới thiết bị do thám của Mỹ và đồng minh luôn theo dõi sát hoạt động của không quân Nga, cho phép Ukraine nhận cảnh báo không kích và chuẩn bị phương án sơ tán khí tài từ trước ít nhất một giờ.
Tuy nhiên, lợi thế này dường như đã mất tác dụng với UAV Lancet, vốn có kích thước rất nhỏ gọn và khả năng vận hành độc lập, khó bị phát hiện bởi radar, cảm biến quang điện tử và hệ thống trinh sát điện tử đối phương.
“Sự xuất hiện của phiên bản Lancet mới với tầm bay gần gấp đôi trước đó sẽ đặt ra mối đe dọa không nhỏ với quân đội Ukraine. Họ sẽ phải tìm mọi cách để giải quyết nỗi lo này trước khi tiếp nhận phi đội tiêm kích F-16 từ cuối năm nay”, Axe nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Forbes)