Trong lực lượng tỷ phú mới xuất hiện năm qua, lần đầu tiên tài sản nhóm thừa kế nhiều hơn nhóm giàu tự thân.
Đây là kết quả được nêu trong “Billionaire Ambitions Report” của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Báo cáo đánh giá việc chuyển giao phần lớn tài sản của các tỷ phú vốn được dự báo từ lâu nhưng năm nay bắt đầu chứng kiến xu hướng lấy đà.
Trong số 137 tỷ phú mới xuất hiện năm ngoái, có đến 53 người nhận được 150,8 tỷ USD thông qua chuyển nhượng tài sản. Trong khi, 84 tỷ phú tự thân còn lại tích lũy được 140,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong 8 lần báo cáo gần một thập kỷ qua, các tỷ phú mới có nhiều tiền hơn từ việc thừa kế.
Tầm quan trọng của việc chuyển giao tài sản tăng ở tất cả khu vực địa lý. Ở châu Á – Thái Bình Dương, tài sản trung bình của những người thừa kế là 2 tỷ USD, so với giàu tự thân là 1,6 tỷ USD. Tại châu Mỹ, những người thừa kế sở hữu tài sản trung bình 2,2 tỷ USD, còn tỷ phú tự thân tích lũy được 1,5 tỷ USD. Ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi, tài sản trung bình của những người thừa kế là 4,4 tỷ USD, gấp đôi tỷ phú tự thân (2,2 tỷ USD).
Thị trường IPO trầm lắng suốt năm 2022 và đầu năm 2023 cũng đã hạn chế cơ hội trở thành tỷ phú tự thân của một số doanh nhân. Max Kunkel, Giám đốc đầu tư khách hàng quản lý tài sản gia đình và tổ chức tại UBS, cho biết bất ổn về kinh tế, địa chính trị và chính sách là thách thức đối với việc tạo ra tài sản của doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
UBS ước tính tổng cộng 1.000 tỷ phú sẽ chuyển 5.200 tỷ USD tài sản cho con cái họ trong vài thập kỷ tới. “Việc chuyển giao tài sản đang có động lực đáng kể khi nhiều doanh nhân tỷ phú già đi”, Benjamin Cavalli, Phụ trách khách hàng chiến lược Bộ phận Quản lý tài sản toàn cầu tại UBS lý giải. Báo cáo vào tháng 5 do dịch vụ thông tin Altara công bố, độ tuổi trung bình của tỷ phú là 67. Do đó, ngày càng có nhiều người suy tính về việc tài sản của mình sẽ ra sao khi qua đời.
Một khảo sát của UBS cho biết ba phần năm tỷ phú thế hệ đầu tiên cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ là truyền cho con cháu những giá trị, trình độ học vấn và kinh nghiệm cần thiết để tiếp quản. “Vấn đề chính với thế hệ trẻ là giáo dục họ có tham vọng”, một tỷ phú nói với nhóm khảo sát của UBS.
Năm qua, số lượng tỷ phú trên toàn cầu tăng 7% lên 2.544 người. Tổng tài sản của họ đã tăng 9%, lên 12.000 tỷ USD, chưa tính đến lạm phát. Con số này vẫn thấp hơn mức đỉnh 13.400 tỷ USD đạt được năm 2021, khi cộng đồng tỷ phú toàn cầu tăng lên 2.686 cá nhân, nhờ đợt cổ phiếu và bất động sản phục hồi sau dịch.
Lần đầu tiên châu Âu dẫn đầu mức tăng trưởng về tài sản của các tỷ phú khi mua sắm tăng sau dịch đã nâng cao lợi nhuận và giá cổ phiếu của các công ty hàng xa xỉ Pháp, mang lại lợi ích cho các gia đình tỷ phú đứng sau. Trong số đó có chủ tịch LVMH Bernard Arnault và 5 người con của ông. Arnault là người giàu thứ ba thế giới với tài sản ròng trị giá 167 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Trong khi các tỷ phú công nghệ và chăm sóc sức khỏe đã tích lũy được khối tài sản lớn nhất trong thập kỷ qua, báo cáo nhấn mạnh xu hướng giàu lên của các tỷ phú công nghiệp. Điển hình có hai tỷ phú Ấn Độ là Gautam Adani của Adani Group và Mukesh Ambani của Reliance. “Điều này có thể duy trì trong bối cảnh chính phủ ở một số quốc gia khuyến khích thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và chi tiêu quốc phòng cao hơn”, báo cáo dự báo.
Phiên An (theo CNN, Fortune)