HLV Kluivert không phải là kẻ bất tài
Hàng tấn áp lực đã trút xuống đầu HLV Patrick Kluivert sau khi Indonesia hứng chịu thất bại với tỷ số 1-5 trước Australia ngày 20/3. Trận thua ấy giống như gáo nước lạnh tạt vào tham vọng dự World Cup 2026 bùng cháy của Indonesia. Với bản CV (hồ sơ xin việc) không mấy đẹp đẽ, với thành tích nghèo nàn trong quá khứ, Kluivert đã hứng chịu không ít nghi ngờ.

Bản đồ nhiệt ở hiệp 1 của Indonesia trong trận đấu với Bahrain. Họ chơi áp đảo đối thủ với lối chơi pressing (gây áp lực) mạnh mẽ (Ảnh: AFC).

Bản đồ nhiệt của Indonesia trong hiệp 2 cho thấy họ chủ động lui về phần sân nhà nhiều hơn so với hiệp 1 (Ảnh: AFC).
Nhiều chuyên gia ở Indonesia cho rằng Kluivert chỉ là kẻ bất tài, không thích hợp dẫn dắt đội bóng hướng tới tấm vé dự World Cup. Nhiều người đã gọi tên HLV Shin Tae Yong ở thời điểm ấy như sự cứu cánh cho đội tuyển Indonesia.
Nhưng nên nhớ, HLV Mourinho từng thảm bại 0-5 trong trận Siêu kinh điển đầu tiên khi dẫn dắt Real Madrid vào năm 2010. Kluivert cũng ở trong tình cảnh ấy. Ông chưa thể hình dung hết sự khủng khiếp của đối thủ trong lần đầu tiên bước vào trận chiến lớn, khi mà thời gian chuẩn bị không nhiều.


Rizky Ridho được khuyến khích dâng cao trong khâu hỗ trợ tấn công (Ảnh chụp màn hình).
Tới trận gặp Bahrain ngày 25/3, người ta đã thấy bộ mặt hoàn toàn khác của Indonesia. HLV Kluivert vẫn trung thành với lối chơi tổng lực theo phong cách Hà Lan nhưng cách vận hành của Garuda (biệt danh của đội tuyển Indonesia) đã thay đổi.
Chấn thương của Mees Hilgers vô tình giúp Kluivert phát hiện ra nhân tố quan trọng là cầu thủ bản địa Rizky Ridho. Cầu thủ này "trám" đúng vai trò lệch phải trong bộ ba trung vệ của Indonesia. Thế nhưng, HLV người Hà Lan đã phát huy rất tốt điểm mạnh của Rizky Ridho trong cả tấn công lẫn phòng ngự.


Trong khâu phòng ngự, Rizky Ridho là chốt chặn đầu tiên trong hàng thủ của Indonesia (Ảnh chụp màn hình).
Trong thế trận tấn công, Rizky Ridho, người có điểm mạnh cầm bóng, tung ra những đường chuyền tốt, đã được HLV Kluivert cho phép cầm bóng qua phần sân đối thủ để thực hiện vai trò điều phối. Nhờ đó, Indonesia có đông quân số cho mặt trận tấn công và thể hiện sự vượt trội trong việc chiếm lĩnh thế trận với Bahrain.
Trong khâu phòng ngự, Rizky Ridho cũng là người tham gia đánh chặn đầu tiên trong hàng thủ và bắt đầu tổ chức phản công. Chuyên trang Fotmob đã chấm cho Rizky Ridho 7,4 điểm khi đạt tỷ lệ chuyền bóng chính xác 78%, thực hiện 6 lần truy cản, 4 lần thu hồi bóng và thắng 3 lần đối đầu.



Indonesia thường dồn hết đội hình sang một cánh, rồi bất ngờ chuyền hướng sang cánh đối diện bằng chuyền dài (Ảnh chụp màn hình).
Không phải ngẫu nhiên mà HLV Kluivert đã lên tiếng khen ngợi trung vệ bản địa này: "Rizky Ridho thi đấu quá tuyệt vời. Tôi biết tài năng của cậu ấy. Hôm nay, Rizky Ridho đã thể hiện màn trình diễn đáng kinh ngạc".
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Joey Pelupessy đã giúp Thom Haye chia lửa ở khu vực giữa sân. Trong trận đấu với Australia, HLV Kluivert buộc phải sử dụng Nathan Tjoe-A-On, cầu thủ vốn chuyên chạy cánh và không được sử dụng nhiều ở CLB. Điều đó khiến cho Garuda không thể đối chọi với Australia trong cuộc chiến ở tuyến giữa.
Điểm mạnh của Pelupessy là lối chơi giàu năng lượng, không ngần ngại va chạm. Ngoài ra, anh cũng có khả năng điều phối bóng tốt. Chuyên gia bóng đá Gita Suwondo thừa nhận: "Nhờ có Pelupessy ở tuyến giữa, Indonesia đã bớt mong manh hơn so với trận đấu gặp Australia. Tuyến giữa của đội bóng thi đấu chặt chẽ và chống phản công tốt".


Cự ly đội hình của Indonesia trong việc tổ chức đánh chặn Bahrain là rất tốt. Sự xuất hiện của tiền vệ gốc Bỉ Joey Pelupessy đã mang tới sự khác biệt so với trận đấu gặp Australia (Ảnh chụp màn hình).
Nói qua phải nói lại, năng lực tổ chức đội hình của Bahrain không thể so sánh với Australia. Điều đó giúp cho Indonesia dễ triển khai bóng hơn. HLV Kluivert sử dụng khá nhiều chiến thuật dồn bóng sang cánh (overload) rồi bất ngờ chuyển hướng sang cánh đối diện. Bahrain khá nhiều lần không thể ngăn chặn được cách triển khai này của Indonesia.
Điều quan trọng, Indonesia không còn bị "say nắng" như trận gặp Australia. Sau hiệp 1 ép sân đầy hứng khởi, đội bóng của HLV Kluivert đã biết thu mình, chơi chậm hơn trong hiệp 2 và tận dụng tốc độ để phản công.
Nhìn chung, đây là chiến lược tốt của HLV Kluivert. Dù vậy, điều đó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Đặt giả sử nếu như Indonesia ghi bàn mở tỷ số trước vào lưới Australia, họ hoàn toàn có thể chọn cách chơi này. Dù sao, sau hai trận đấu, lối chơi của Kluivert đang dần lộ diện.
Có chăng, điều cần cải thiện nhất với Indonesia lúc này chính là khả năng dứt điểm. Sự xuất hiện của Ole Romeny đã giúp hàng công của Garuda sắc sảo hơn. Tuy nhiên, những vệ tinh còn lại như Marselino Ferdinan hay Eliano Reijnders lại tỏ ra mất bình tĩnh và phung phí những cơ hội mười mươi. Để đảm bảo chiến thuật của Kluivert đi đúng hướng, Indonesia cần phải "mài sắc móng vuốt" của mình.

HLV Patrick Kluivert trút bỏ sức ép sau trận thua trước Australia (Ảnh: Bola).
Tìm "ngôn ngữ" chung, chờ ngày tung cánh
Gần đây, có một "công thức" chung để đánh vào tâm lý của các cầu thủ Indonesia, đó là chia rẽ nội bộ của đội bóng. Trước thềm trận đấu với Indonesia, HLV Dragan Talajic của Bahrain đã có ít nhất hai lần nhắc tới việc có quá nhiều cầu thủ Hà Lan xuất hiện trong đội hình của Indonesia. "Một đất nước với 300 triệu dân nhưng vẫn cần những cầu thủ Hà Lan", đó là tuyên bố của HLV người Croatia.
Tất nhiên, HLV Dragan Talajic không phải là người đầu tiên nói tới điều này. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. Bởi lẽ, từ lâu, trong nội bộ làng bóng đá Indonesia, nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện liên quan tới việc các cầu thủ bản địa không còn đất phát triển trong bối cảnh Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) nhập tịch quá nhiều cầu thủ ở châu Âu (chủ yếu là gốc Hà Lan).

Indonesia thể hiện sự đoàn kết trước những phát ngôn chia rẽ của đối thủ (Ảnh: Bola).
Chính vì lẽ đó, các thành viên của Indonesia đang cố gắng dập tan "lời ong tiếng ve" bằng việc tìm thấy "ngôn ngữ" chung, đó là sự đồng lòng, tinh thần thể thao quyết thắng. Không phải ngẫu nhiên, các cầu thủ nhập tịch (Justin Hubner, Ole Romeny) hay cầu thủ bản địa (Rizky Ridho) đều lên tiếng phản pháo HLV Bahrain sau trận đấu.
"Đây là kết cục mà các đối thủ phải nhận khi không tôn trọng đội tuyển Indonesia", Justin Hubner thông báo trên trang Instagram. Trong khi đó, Rizky Ridho cho biết: "Dù đội tuyển Indonesia tập hợp những cá nhân tới từ bất kỳ nơi đâu thì chúng tôi sẽ cố gắng duy trì sự đoàn kết".
Lý do Chủ tịch PSSI, Erick Thohir, đưa HLV Kluivert lên "ghế nóng" cũng là vì không muốn tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ đội bóng. Đội hình với hầu hết các cầu thủ nói tiếng Hà Lan nên được dẫn dắt bởi HLV người Hà Lan.
Chia sẻ mới đây với đài NOS (Hà Lan), tỷ phú Erick Thohir nói rõ quan điểm "không phân biệt" của mình: "Chúng tôi muốn tập hợp sức mạnh cộng đồng người Indonesia di cư trên khắp thế giới. Các cầu thủ bản địa cũng có thể học hỏi từ những đồng đội này và tham gia thực hiện hóa giấc mơ tham dự World Cup của đội tuyển Indonesia.
Những cầu thủ như Thom Haye, Mees Hilgers và Eliano Reijnders cũng yêu thích văn hóa của Indonesia. Họ được những người hâm mộ ở xứ Vạn đảo rất yêu mến. Chúng tôi không quan trọng ai đến từ đâu. Những cổ động viên Indonesia luôn mở rộng vòng tay với những con người xa xứ".
Indonesia cần đội hình ngày càng mạnh mẽ để phù hợp với chiến thuật và yêu cầu của bóng đá đỉnh cao. Đó là lý do mà Chủ tịch Erick Thohir phải lùng sục để tìm ra những gương mặt chất lượng trên khắp châu Âu, để nâng cấp đội hình.
Đừng ngạc nhiên nếu như vào tháng 6, Indonesia sẽ lại bổ sung thêm những cầu thủ nhập tịch mới, ở phiên bản cao cấp hơn. Họ chỉ còn hai trận đấu quyết định trong hành trình ở vòng loại thứ ba World Cup 2026 gặp Trung Quốc và Nhật Bản.

Chỉ có đoàn kết mới có thể giúp Indonesia thực hiện giấc mơ World Cup (Ảnh: AFC).
Hiện tại, Indonesia xếp thứ 4 ở bảng C vòng loại thứ ba World Cup 2026, hơn hai đội bóng Trung Quốc và Bahrain 3 điểm, kém đội xếp thứ hai là Australia 4 điểm và ít hơn đội xếp thứ ba Saudi Arabia 1 điểm. Cơ hội tham dự World Cup vẫn còn với Indonesia, cho phép họ nung nấu quyết tâm cháy bỏng trong vài tháng tới.
Theo tờ NU (Hà Lan), Indonesia từng tham dự World Cup 1938 dưới cái tên Đông Ấn Hà Lan. Giờ đây, đội bóng này mang danh "Hà Lan 2" để tham dự World Cup cũng không phải là vấn đề quá lớn.

Bảng xếp hạng bảng C vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á (Ảnh: FIFA).
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-thao/tuyen-indonesia-song-lai-giac-mo-world-cup-hlv-kluivert-khong-he-bat-tai-20250327020448314.htm
Bình luận (0)