Thiếu niên 17 tuổi, thấy khối sưng to nổi lên ở cổ, đi khám Bệnh viện Ung bướu TP HCM, được bác sĩ hướng dẫn sang Bệnh viện Tai Mũi Họng vì nghi ngờ dị vật ở cổ.
Bệnh nhân nuốt vướng sau ăn tiệc cách đây 6 tháng, đi khám tại Kiên Giang không ghi nhận dị vật. Sau đó, người bệnh không nuốt đau nhiều, ăn uống được, chỉ sưng đau cằm dưới gần đây.
Ngày 14/8, TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết đây là trường hợp hóc xương cá rất hiếm gặp vì dị vật từ đường ăn đã di chuyển ra vùng cổ, gây biến chứng với khối áp xe khoảng 3 cm.
Các bác sĩ phẫu thuật mở vùng sàn miệng, lấy khoảng 5 ml mủ đục và dị vật là xương cá ra ngoài. Sau mổ, bệnh nhân giảm các triệu chứng khó chịu, vết mổ nhanh chóng khô.
“Tôi không biết hóc xương cá, khi đó chỉ bị sốt, nuốt vướng nhưng không tìm ra bệnh. Lần này biết được nguyên nhân, may mà không phải ung thư”, bệnh nhân nói.
Bác sĩ Nguyễn Tường Đức, Phó khoa Nhi – Tổng hợp, cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán cũng như phẫu thuật vì chính bệnh nhân không biết từng bị hóc xương cá. Mảnh xương nằm lâu trong cơ thể, đã bị gãy làm hai. Sau khi lấy đoạn xương cá ra, bác sĩ phát hiện kích thước ngắn hơn hình ảnh trên phim chụp CT Scan nên tiếp tục tìm kiếm và lấy thêm đoạn còn lại.
Theo bác sĩ, dị vật đường tiêu hóa, nhất là xương cá có thể di chuyển gây nhiều biến chứng như thủng thực quản, viêm trung thất, biến chứng mạch máu, áp xe cổ… Trên thế giới, tỷ lệ dị vật đường ăn “di cư” ra vùng cổ khá hiếm gặp. Vùng cổ có những mạch máu lớn, trên đường di chuyển nếu xương cá vô tình xuyên qua động mạch, gây vỡ động mạch sẽ nguy hiểm.
Bác sĩ khuyến cáo khi có những dấu hiệu của hóc xương cá như nuốt đau, nuốt vướng, người bệnh cần đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được phát hiện, xử trí kịp thời.
Lê Phương