Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân quyền là tư tưởng nhân sinh quan đạo đức gắn với pháp quyền nhằm bảo đảm quyền “là người và làm người” của tất cả mọi người, trước hết là người lao động, gắn với quyền dân tộc – giai cấp, thông qua thực hành bảo đảm nhân quyền nhằm góp phần cải tạo thế giới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Trên cơ sở nhân phẩm truyền thống “người ta là hoa của đất” và “trọng dân”, Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của Lenin (1870-1924) về quyền dân tộc tự quyết dưới chủ nghĩa xã hội (CNXH); tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng tư sản Pháp năm 1789; tư tưởng “Tam dân” (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) của Tôn Trung Sơn (1866-1925) và tư tưởng về quyền tự nhiên của mỗi cá nhân trong luật nhân quyền quốc tế – thành quyền độc lập, tự do, hạnh phúc gắn CNXH của mỗi người và dân tộc Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Marx-Lenin. Đây là tư tưởng – lý luận để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo trong thời kỳ đổi mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951). (Nguồn: hochiminh.vn) |
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền
Về nhân phẩm. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét nhân phẩm từ bản tính nhân văn của chính con người. Người từng mượn câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện” để giải thích vấn đề Thiện – Ác một cách giản dị: “Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia thành hai hạng: Người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm 2 thứ: việc chính và việc tà. Làm việc chính, là người thiện. Làm việc tà là người ác”1. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu. Phần nhiều do giáo dục mà nên”2; một người có nhân phẩm thì việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh.
Người cho rằng, vấn đề thiện ác, nhân phẩm ở con người truyền thống cơ bản thể hiện ở nhân nghĩa và đạo đức. Đạo đức và nhân quyền (hay quyền con người) là những cách thể hiện khác nhau của bản tính nhân bản con người mỗi khi con người hiện diện trong cộng đồng và trong xã hội dưới những góc độ và vai trò khác nhau.
Khi tiếp cận chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức, nhân phẩm chính là yếu tố có sức ảnh hưởng lớn lao đến nhận thức, tình cảm của mọi người, chứ không phải chỉ yếu tố thiên tài tư tưởng.
Thực vậy, trong bài “Lênin và các dân tộc phương Đông” (1924), Người viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi”3.
Nhân phẩm gắn liền với các giá trị nhân văn tiến bộ và cả những giá trị nhân văn có tính “vượt trước” của dân tộc và nhân loại.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin, những phẩm chất đó được Người nâng lên tầm cao mới, như: Từ “con người tư duy” duy lý của phương Tây và “cái tâm” hay tấm lòng của con người phương Đông được tích hợp thành “sống sao có tình có nghĩa”, “học gắn với hành”, “nói đi đôi với làm” sao cho hài hòa giữa tài và đức; từ lòng nhân ái yêu thương con người của nhân loại được nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, mang bản sắc Việt Nam; từ lòng yêu nước truyền thống được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời đại cách mạng XHCN; từ truyền thống đoàn kết, tình nghĩa của dân tộc được nâng lên thành truyền thống đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế;…
Qua đó, theo nhà báo Liên Xô Osip Mandelstam (năm 1923): “từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”.
Về nhân quyền. Lời mở đầu của Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 thừa nhận phẩm giá (nhân phẩm) và các quyền bình đẳng, không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Nhân quyền là sự biểu hiện của nhân phẩm bằng pháp luật trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, đã gắn quyền cá nhân với quyền độc lập – tự do – hạnh phúc của tất cả các dân tộc.
Như vậy, Người đã mở rộng quyền con người gồm cả quyền dân tộc tự quyết. Một điểm cần nhấn mạnh là, phải đến năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) mới gắn quyền dân tộc tự quyết với quyền con người.
Sở dĩ như vậy vì Hồ Chí Minh thực sự coi trọng việc thực hành mối quan hệ biện chứng giữa quyền cá nhân và quyền của các cộng đồng (dân tộc – tộc người, tôn giáo, giới, …) với quyền độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc – quốc gia, phù hợp với điều 55, Hiến chương LHQ năm 1945 ghi nhận quyết của dân tộc – quốc gia chỉ thuộc về tất cả dân cư thường xuyên sinh sống trên lãnh thổ của dân tộc – quốc gia mới, bởi họ là chủ thể của pháp luật quốc tế.
Nhân quyền mang bản chất tổng hòa các quan hệ xã hội – pháp lý của nhân phẩm và được biểu hiện ở nhân cách văn hóa. Người coi nhân quyền chủ yếu là sản phẩm hiện thực giành được của con người trong cuộc đấu tranh với thế giới tự nhiên, xã hội và với bản thân, đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, và gắn với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa trong mỗi thời kỳ lịch sử của dân tộc và nhân loại.
Vì vậy, nhân quyền luôn mang bản sắc dân tộc và giai cấp và phụ thuộc vào mỗi chế độ chính trị – xã hội và mỗi nền văn hóa dân tộc. Do vậy, nhân quyền không chỉ giới hạn ở khía cạnh thực thể tự nhiên – xã hội, mà mang bản chất “tổng hòa các quan hệ xã hội” 4 (Karl Marx), trước hết là quan hệ pháp lý, của nhân phẩm, và được biểu hiện ở nhân cách văn hóa. Do đó phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân…, phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do,… ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng.5
Nhân quyền được ghi nhận ở cả quyền công dân và quyền con người thông qua pháp luật cùng các thể chế văn hóa tự quản trong xã hội. Kế thừa tư tưởng này của Karl Marx, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng cả hai thuật ngữ nhân quyền và dân quyền (quyền công dân) và luôn coi trọng mối quan hệ thống nhất giữa chúng nhằm thực hiện quyền độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc – quốc gia trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (năm 1963). (Nguồn: hochiminh.vn) |
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền hiện nay
Thứ nhất, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nhân phẩm, nhân quyền theo hướng: nhân quyền vừa mang tính phổ quát của nhân phẩm, vừa mang tính đặc thù của điều kiện xã hội tạo nên nhân phẩm. Nhân quyền không giới hạn chỉ ở khía cạnh thực thể tự nhiên – xã hội, mà mang bản chất “tổng hòa các quan hệ xã hội” (Karl Marx), trước tiên là quan hệ pháp lý, của nhân phẩm và được biểu hiện ở nhân cách văn hóa.
Thứ hai, vận dụng tư tưởng về mối quan hệ qua lại giữa bảo đảm quyền dân tộc – quốc gia với tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền lợi của các cá nhân và các các cộng đồng trong nước. Thực tế sự nghiệp đổi mới đã giải quyết khá tốt nhưng lại chưa thấy hết được giá trị của mối quan hệ biện chứng này.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay phải nhận thức và thường xuyên ý thức được việc thực hành, giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng đó; trong đó việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền của người dân và các cộng đồng lớn nhỏ chính là cơ sở bảo đảm quyền độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước.
Thứ ba, vận dụng tư tưởng về “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” nhằm “sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền” (cái biến xã hội để thực thi nhân quyền). Kết quả vận dụng chính là việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế thực hiện thể chế của dân, do dân, vì dân. Chẳng hạn, mới chỉ quan tâm đến xây dựng thể chế pháp quyền của bộ máy nhà nước, mà chưa đồng thời quan tâm xây dựng, phát triển thể chế pháp quyền của công dân trong quan hệ với Nhà nước và xã hội với tính cách là nền móng và mục đích của thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN do Nhân dân là chủ – làm chủ.
Do đó, cần tiếp tục thể chế hóa trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở cả 3 phương diện: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; trách nhiệm của văn bản quản lý hành chính nhà nước.
Đồng thời coi trọng thực thi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, trước hết nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở cơ sở và nâng cao năng lực phản biện, giám sát xã hội của các tổ chức xã hội, nhất là của báo chí và mạng Internet. Hiện còn không ít cơ quan và doanh nghiệp chưa quan tâm thích đáng đến việc thực hiện Luật này ngay tại địa phương, lĩnh vực hoạt động của mình. Từ đó thiếu sự sự phối hợp thực hiện dân chủ một cách thống nhất, đồng bộ giữa cán bộ, người dân ở cấp xã với cán bộ, viên chức ở cơ quan, doanh nghiệp.
Đặc biệt trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với thế và lực mới, cần khắc phục ngay hạn chế trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền.
Đó là: (i) tránh nhầm lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh về phê phán nhân quyền dưới chế độ tư sản, thực dân phong kiến trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc với quyền là chủ, làm chủ trong giai đoạn đi lên CNXH; (ii) chú ý đúng mức tính sáng tạo trong bảo đảm nhân quyền phù hợp với điều kiện của đất nước; (iii) coi trọng đúng mức việc bảo đảm “tài quyền” gắn với nhân quyền và dân quyền như Nghị quyết của quốc dân Đại hội Tân Trào (16-17/8/1945) đã xác định6.
Mặc dù đến nay, Việt Nam đã thực hiện khá tốt các quyền xóa đói giảm nghèo, sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp,… nhưng vẫn chưa quan tâm đúng mức việc giải quyết hiệu lực, hiệu quả các vấn đề quyền sở hữu gắn với quyền chiếm hữu, sử dụng, quản lý đất đai, nhà ở và bất động sản khác với vai trò là nền tảng của quyền kinh tế. Hệ quả là nhiều vấn đề kinh tế, đặc biệt đất đai, nhà ở và bất động sản khác, thường gây ra những hệ lụy cho nhiều vấn đề nhân quyền, dân quyền và gây tổn thất về kinh tế cho Nhà nước, người dân.
Cùng với đó, vẫn còn tình trạng chưa chú ý làm rõ, vận dụng và phát triển sáng tạo mối quan hệ giữa xây dựng đạo đức mới, văn hóa mới với bảo đảm quyền con người, (trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng, là gốc của người cách mạng); chưa coi trọng đúng mức việc cụ thể hóa việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện thể chế về bảo đảm quyền của từng giai tầng xã hội (công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân,…) cho phù hợp với tình hình phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội theo cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Trong bối cảnh nhận thức về quyền con người ngày càng nâng cao, việc bảo đảm, thúc đẩy các quyền công dân cần gắn với quyền con người theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và tinh thần của Hiến pháp 2013 “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.129.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.413.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 317.
4 C.Mác – Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t.3, tr.11.
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. XXVI
6 Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.559.