(CLO) Ngày 19/12, tại Hà Nội, Báo Thế giới và Việt Nam phối hợp Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền tổ chức hội thảo khoa học “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024), thảo luận những giải pháp, cách thức để thúc đẩy công tác truyền thông đối ngoại về quyền con người trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo nhân quyền Chính phủ nhấn mạnh, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua, với sự chỉ đạo và tham gia của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh các kết quả tích cực, công tác này hiện đang đối diện với nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những cách làm mới để nâng cao hiệu quả truyền thông.
Một trong những vấn đề quan trọng mà Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chỉ ra là việc công tác thông tin đối ngoại về quyền con người hiện nay chủ yếu tập trung vào công tác đấu tranh và phản bác thông tin sai lệch, chưa thực sự chú trọng đến việc chủ động thông tin và xây dựng lòng tin từ cộng đồng quốc tế.
Thứ trưởng khẳng định, để công tác truyền thông đối ngoại đạt hiệu quả cao, cần phải có những hình thức tuyên truyền sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng nhấn mạnh, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người cần được xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, yêu cầu sự đồng bộ trong nhận thức và hành động của các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc đổi mới tư duy và phương thức triển khai.
Cần phải bảo đảm sự thống nhất giữa các cấp, từ Trung ương đến địa phương trong việc tuyên truyền và cung cấp thông tin về quyền con người, nhằm đạt được hiệu quả tối ưu trong các hoạt động đối ngoại.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền Chính phủ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí nhân quyền Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh các thế lực thù địch, cực đoan đang triệt để chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, thông tin đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng, giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách, thành tựu của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người, đồng thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tranh thủ sự ủng hộ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Bà Hương cũng nhấn mạnh, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có sự đổi mới về cả nội dung và phương thức, đặc biệt trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Phan Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/doi-moi-tu-duy-cach-lam-trong-cong-tac-truyen-thong-doi-ngoai-ve-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-post326425.html