Kiến tạo nền ngoại giao cách mạng
Bi kịch mất nước và sự khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Được mở rộng tầm mắt khi ra thế giới, Người hiểu rằng chính sách “bế quan, tỏa cảng” của triều đình phong kiến đã khiến đất nước tụt hậu, bị xâm lược và sức mạnh riêng lẻ của từng dân tộc không thể chống lại sức mạnh liên kết của các thế lực đế quốc, thực dân. Vì thế, Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam khẳng định “cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới” .
Trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm hoạt động quốc tế, Người đã đúc kết chân lý: “Ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng”. Sau Cách mạng Tháng Tám, trong hoàn cảnh vận mệnh dân tộc trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã 2 lần trực tiếp giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (28.8.1945 – 2.3.1946; 3.11.1946 – tháng 3.1947) và dẫn dắt nền ngoại giao cách mạng theo hệ thống quan điểm khoa học, cách mạng và nhân văn.
Đại diện cho một dân tộc từng chịu nhiều đau khổ của chiến tranh nên hòa bình và hợp tác hữu nghị là nội dung nổi bật trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Người chủ trương kiên trì giải quyết xung đột giữa các dân tộc bằng con đường đàm phán hòa bình với phương châm “còn nước còn tát”; chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc. Khi kẻ thù “sa lầy” và muốn “xuống thang” chiến tranh, Hồ Chí Minh sẵn sàng đàm phán để tránh tổn hại cho cả hai bên. Đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”; Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa, hợp tác trong mọi lĩnh vực với những ai thật thà hợp tác với Việt Nam.
Hồ Chí Minh luôn đề cao tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” vì việc tập hợp lực lượng rộng rãi và cô lập kẻ thù là nhân tố quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh. Để phân biệt bạn – thù và không nhầm lẫn kẻ thù quá khứ với kẻ thù hiện tại, Người tuyên bố: “Ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”. Thực hiện tư tưởng “thêm bạn, bớt thù”, Hồ Chí Minh khôn khéo lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù và thực hiện sách lược nhân nhượng có nguyên tắc để cô lập kẻ thù chính yếu. Người cũng phân biệt rõ nhân dân với chính phủ hiếu chiến của nước đối phương và do đó, phong trào phản chiến của nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ đã hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Hồ Chí Minh coi đoàn kết quốc tế theo nguyên tắc độc lập tự chủ và chủ nghĩa quốc tế trong sáng là một chiến lược trọng yếu. Người nêu rõ phương châm xử thế của dân tộc Việt Nam với cộng đồng quốc tế: “Trăm năm trong cõi người ta/Giàu lòng bác ái, ấy là người Việt Nam”. Vì thế, UNESCO đánh giá: Tư tưởng Hồ Chí Minh “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Ngoại giao của tấm lòng
Là nhà ngoại giao lão luyện, Hồ Chí Minh luôn coi ngoại giao là một mặt trận, nhưng mặt khác, Người nhấn mạnh: “Nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao” và “thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Sự duy lợi trong quan hệ quốc tế là một thực tế hiển nhiên nên thắng lợi ngoại giao lớn hay nhỏ, hoạt động ngoại giao thuận lợi hay khó khăn tùy thuộc chủ yếu vào thực lực dân tộc.
Kế thừa truyền thống “thân dân” của các triều đại tiến bộ phương Đông và quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng với ngoại giao của Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh chú trọng phát triển ngoại giao nhân dân bởi nó có thế mạnh của “binh chủng” đông đảo nhất và có thể tiến hành ở những nước, những lĩnh vực mà ngoại giao nhà nước chưa có điều kiện triển khai. Sự phong phú của các hình thức ngoại giao do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã góp phần nâng cao tính hiệu quả của nền ngoại giao cách mạng.
Hồ Chí Minh dẫn dắt nền ngoại giao cách mạng non trẻ không chỉ bằng hệ thống tư tưởng đúng đắn mà còn bằng đạo đức cao cả. Người luôn tâm niệm “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Vì thế, Người kiên quyết bảo vệ độc lập của dân tộc mình nhưng cũng tôn trọng độc lập của dân tộc khác, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc và hào hiệp cho rằng “giúp bạn là tự giúp mình”…
Ông Vũ Đình Huỳnh, người từng tháp tùng Hồ Chí Minh trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, đã nhận xét: “Tài nghệ ngoại giao của Bác có sức thuyết phục lớn không phải ở đối sách, thủ pháp, khẩu khí hùng biện mà cái cốt lõi là đức nhân của Bác”. Nhà ngoại giao Võ Văn Sung cho rằng Hồ Chí Minh đã kiến tạo nên một trường phái ngoại giao – ngoại giao của tấm lòng. Dưới sự dẫn dắt của con người “đại nhân, đại trí, đại dũng”, nền ngoại giao cách mạng non trẻ của Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc và góp phần to lớn vào những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Giá trị soi đường
Thời gian càng lùi xa và tiến trình hội nhập của Việt Nam càng sâu rộng thì tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh càng tỏa sáng. Vì thế, trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động của Đảng, là nguyên tắc hàng đầu của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay. Từ quan điểm của Người về bạn – thù, Đảng ta đã phát triển thành quan điểm về đối tác – đối tượng.
Vận dụng tư tưởng hòa bình và hợp tác của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có uy tín và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với gần 30 quốc gia khác.
Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ thời gian vừa qua đã thể hiện: Quá khứ không thể làm lại nhưng tương lai hữu hảo có thể được tạo dựng nếu hai bên thực sự thiện chí và điều đó không chỉ mang lại tương lai tốt đẹp cho hai quốc gia mà còn tác động tích cực đến hòa bình, hợp tác hữu nghị của khu vực và thế giới nói chung.
Với những thành tựu to lớn, đáng tự hào của sự nghiệp Đổi mới, Việt Nam đang có vị thế quốc tế thuận lợi. Bối cảnh quốc tế nhiều biến động và mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đòi hỏi ngoại giao Việt Nam phải phấn đấu trở thành một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc của trường phái ngoại giao “cây tre” Việt Nam với đặc tính linh hoạt, uyển chuyển mà kiên trung, bất khuất.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh mãi mãi là ánh sáng soi đường để nền ngoại giao Việt Nam hoàn thành trọng trách to lớn là đảm bảo mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, góp phần đưa Việt Nam tiến bước cùng nhân loại như ước vọng mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.