LỜI TÒA SOẠN

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024), báo VietNamNet trân trọng gửi tới quý độc giả những bài viết, câu chuyện, ký ức, kỷ niệm… khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” và hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Quân đội anh hùng.

Khu Hoàng Diệu, Lý Nam Đế, Phan Đình Phùng… bao quanh thành Hà Nội, trong giai đoạn từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 tới đại thắng mùa xuân năm 1975, là nơi ở của nhiều gia đình các sĩ quan, tướng lĩnh cao cấp của Bộ đội Cụ Hồ công tác ở khu vực trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị…, thuộc khu di tích Hoàng Thành Thăng Long ngày nay và còn được gọi là khu “tổng hành dinh” của bộ đội ta trong những năm tháng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Ở đó có những câu chuyện “kỳ lạ” đã làm nên lịch sử của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh

Từ châu Nguyên Bình tới vạn dặm biển Đông… 

Cuộc gặp mặt của các thế hệ con, cháu các vị tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp Bộ đội Cụ Hồ ở Tổng hành dinh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam diễn ra ở một địa điểm đặc biệt, buổi sáng ngày 18/12/2024, tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam. 

Người cháu thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình những người lính Cụ Hồ đã lựa chọn một cái tên để đặt cho cuộc gặp gỡ thân mật này. Đó là chị Trương Ngọc Anh, cháu ngoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Từ châu Nguyên Bình tới vạn dặm biển Đông”. Ngắn gọn nhưng là lịch sử hào hùng và lớn mạnh của bộ đội ta từ ngày thành lập cho tới hôm nay. 

Ngày 22/12/1944, tại châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời. Trải qua 80 năm gian khổ, hy sinh, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, tới hôm nay, bộ đội ta đã làm chủ vùng trời, vùng biển, hải đảo, biên cương Tổ quốc và làm chủ và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên không gian mạng của Việt Nam.

Bộ đội Cụ Hồ rất xứng danh với những câu thơ tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình”…

Cái tên “Từ châu Nguyên Bình tới vạn dặm biển Đông” ra đời với ý nghĩa như vậy.

Cuộc gặp mặt từ “Từ châu Nguyên Bình tới vạn dặm biển Đông”.

Vị tướng nhường ngựa cho chiến sĩ

Đại tá Hoàng Anh Tuấn, cháu nội cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trầm lặng đứng trước sa bàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi chiến trường ấy ngày xưa, khi các nhà báo, nhà văn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cùng theo bộ đội ta đi chiến dịch Điện Biên Phủ, họ đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một hành động của đồng chí Hoàng Văn Thái, lúc ấy là Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhà báo Tiệp Khắc đã kể lại với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Quân đội của các đồng chí thật lạ! Tôi không thấy có sự cách biệt nào giữa vị tướng với người lính”. Hóa ra, nhà báo buổi sáng hôm đó đã nhìn thấy hình ảnh đồng chí Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng chiến dịch nhường ngựa của mình cho một chiến sĩ bị đau chân và cùng xách giày lội suối với bộ đội. 

Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi ấy đã trả lời nhà báo Tiệp Khắc: “Quân đội chúng tôi là như vậy. Quan hệ giữa chúng tôi trước hết là quan hệ giữa những người đồng chí, những người bạn chiến đấu”.

Chuyện lạ ấy chính là cội nguồn làm nên sức mạnh của Quân đội ta.

Bức thư của người đội trưởng gửi con gái trước lúc hy sinh

Khi Thiếu tướng Hoàng Sâm, người đội trưởng đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (sau này trở thành Tư lệnh của quân khu Trị Thiên), hy sinh cuối năm 1968 tại chiến trường Trị Thiên sau những trận bom rải thảm ác liệt từ máy bay B52 của đế quốc Mỹ, ông Hoàng Sùng, con trai của Thiếu tướng Hoàng Sâm mới 10 tuổi.

Hôm nay, đứng trước bức ảnh của cha mình trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ông lại bùi ngùi nhớ về bức thư cuối cùng mà cha gửi về cho chị gái tên Lan đề ngày 11/11/1968, chỉ một tháng trước ngày Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh ở tuổi 53.

“Bố đi công tác xa, có gian khổ nhưng bố rất phấn khởi, chỉ lo cho các con còn nhỏ, chưa đứa nào tự lập được, giờ có mẹ con ở nhà một mình lại càng buồn, vì vậy mà các con phải hết sức cố gắng chăm chỉ học tập, để cho mẹ con vui con ạ. Bố mạnh khỏe luôn các con cứ yên tâm học hành cho tốt”. “Bố đi công tác xa, có gian khổ… Bố mạnh khỏe luôn, các con cứ yên tâm học hành cho tốt”…

Hành trang của bộ đội Cụ Hồ khi ấy từ sĩ quan, tướng lĩnh tới người chiến sĩ chỉ giản dị có như vậy. Gian khổ và hy sinh, nhưng mong ở nhà hậu phương hãy yên tâm về người lính nơi tiền tuyến.

Ông Hoàng Sùng bên bức ảnh của cha mình – Đội trưởng đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân Hoàng Sâm trong ngày 22/12/1944.

Ngày truy điệu và tổ chức tang lễ Thiếu tướng Hoàng Sâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới chia buồn cùng gia đình và tiễn đưa người đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, người học trò ưu tú của Người về với các đồng đội, đồng chí. Trước ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, Quân đội ta chỉ có chưa đầy 40 vị tướng. 

Liệt sĩ có cấp bậc cao nhất của bộ đội Trường Sơn

Trong số hơn 2 vạn liệt sĩ trên con đường Trường Sơn ngày ấy, Đại tá, liệt sĩ Đặng Tính, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn là người có cấp bậc, quân hàm và có lẽ là tuổi đời cao nhất. Ông hy sinh ở tuổi 53.

Trong ký ức của bà Đặng Mai Phương, “con dao pha” đó là biệt danh mà Đại tướng Văn Tiến Dũng và các đồng chí, đồng đội nói về  người cha đã hy sinh của bà – người sĩ quan luôn được Đảng và Bác Hồ phân công đảm nhận những nhiệm vụ hết sức khó khăn ở các địa bàn trọng yếu. Và ông – Tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân; Chính ủy Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn – luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Ngày 21/10/1971, bà Mai Phương, khi ấy là chiến sĩ thông tin đại đội 11, Trung đoàn 26, Quân chủng Phòng không không quân đã viết nhưng dòng thơ gửi tặng cha:

…Chào bố của con

Chào người đồng chí

Chào “nhà thi sỹ”

Vui khỏe lên đường

Khi nào hết Mỹ

Bố về hậu phương!

Người nữ chiến sĩ thông tin đã không thể được đoàn tụ cùng bố trong ngày toàn thắng. Đại tá Đặng Tính hy sinh tháng 4/1973 trong một chuyến công tác. Ông hy sinh trong vòng tay của bộ đội Trường Sơn, chỉ hai năm trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chuyến công tác cuối cùng của người chính ủy trước khi ra miền Bắc để nhận một nhiệm vụ mới mà sau này được tiết lộ là cao hơn nhiệm vụ ông đảm trách lúc đó. 

Đó là những câu chuyện hàng ngày ở các gia đình “tổng hành dinh” những năm tháng ấy. Buổi sáng vẫn đi làm như thường lệ. Buổi chiều vội vã trở về nhà, soạn vội đồ đạc, từ biệt vợ con, nhận mệnh lệnh lên đường đi chiến đấu. “Anh đi B”, “Anh sẽ viết thư gửi về cho em và các con”, “em ở nhà giữ gìn sức khỏe, chăm sóc các con”, “nhớ viết thư gửi về quê cho mẹ, nói là anh đi công tác”… 

Liệt sĩ Đặng Tính (hàng đầu, thứ 7 từ phải sang) cùng các đồng đội trước khi hy sinh.

Những cuộc chia tay ra chiến trường của người cán bộ cao cấp ở “tổng hành dinh” cũng giống như những cuộc chia tay ra chiến trường của biết bao người chiến sĩ, bao gia đình người lính ở hậu phương khác. Có sự chờ đợi, lo lắng, tự hào, hy vọng và có cả sự hy sinh nữa.

Một câu chuyện mà người kể xin phép được giấu tên, đó là tâm sự từ người cha của bà, cũng là một sĩ quan cao cấp ở “tổng hành dinh”. Ông đã tâm sự với con gái của mình khi nghe tin người đồng đội thân thiết, Đại tá Đặng Tính hy sinh. “Lẽ ra chú Đặng Tính phải là người đưa tiễn bố, không ngờ bố lại là người đưa tiễn chú Đặng Tính”. 

Ngày ấy, như bất kỳ người lính Cụ Hồ nào, các ông thường xung phong nhận các nhiệm vụ khó khăn và gian khổ thay cho đồng đội của mình… Khi nghe tin đồng đội hy sinh, các ông đều hiểu rằng, nếu không phải là đồng đội thì người đó sẽ là chính mình. Bởi đó là sứ mệnh của mỗi người lính Cụ Hồ với dân tộc và đất nước.

Con tướng nhưng không làm tướng

Nếu không được giới thiệu, có lẽ không ai phân biệt được con, cháu của “tổng hành dinh” Bộ đội Cụ Hồ năm xưa với những dòng người đông kín vào tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trong những ngày này. Đó là gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thượng tướng Song Hào, Thượng tướng Phùng Thế Tài, cố Bộ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Thiếu tướng Hoàng Sâm… Mỗi cái tên đều là một câu chuyện, một phần của lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh.

Dân gian thường nói vui “con vua thì lại làm vua”. Nhưng trong đoàn các gia đình ở “tổng hành dinh” thăm bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hôm nay, tôi chỉ gặp được duy nhất một vị thiếu tướng. Và trong cả trăm gia đình sĩ quan cao cấp ở “tổng hành dinh” ngày ấy, dù các con, cháu nối nghiệp cha mẹ và trở thành bộ đội Cụ Hồ rất nhiều, thì số lượng sĩ quan cấp tướng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay… Trong những tháng năm chiến tranh gian khổ và sau này, khi đất nước thống nhất, các vị tướng ở “tổng hành dinh” đều không dành bất kỳ đặc ân nào cho những người con, cháu của mình. 

Những người cháu thế hệ thứ ba của “tổng hành dinh” tại buổi gặp mặt.

Tâm sự của một người cháu tại cuộc gặp mặt có lẽ sẽ khiến rất nhiều người suy nghĩ: “Khi còn sống, ông cháu thường nói rằng, ngày ấy, có rất nhiều các gia đình người lính, vợ chồng, con cái cách xa nhau để lên đường đi chiến đấu. Và rất nhiều người lính, những đồng đội và đồng chí của ông đã không thể trở về sum họp cùng gia đình trong ngày chiến thắng.

Cháu hiểu rằng, những gì mà ông có được ngày hôm nay như nhà cửa, quân hàm, chức vụ… đều là xương máu của các đồng đội, đồng chí của ông đã hy sinh. Ông và các đồng đội của ông còn sống trở về đều coi những gì mình đang được hưởng là của các đồng đội mình hy sinh ủy nhiệm cho để mình sống tiếp, sống cho tốt, cho xứng đáng. Để sống xứng đáng với sự hy sinh và ủy nhiệm ấy là rất khó. Mình chỉ cố gắng sống sao cho đàng hoàng hơn…”.

Và điều khó viết nhất, khó nói nhất, để lại nhiều tâm sự nhất trong ngày dịp 22/12 này, đó chính là câu chuyện lạ thứ 4 này, câu chuyện sẽ tiếp tục được “ủy nhiệm” để gìn giữ qua các thế hệ kế tiếp của Bộ đội Cụ Hồ ở “Tổng hành dinh Quyết thắng”.