Đam mê “nảy mầm” từ khu vườn nhà
Nói về hành trình của mình, nữ sinh Trịnh Ngọc Mỹ khởi đầu bằng một thú vui rất đỗi bình dị. Mỹ kể, từ bé cô đã thích đi làm vườn, chăm sóc cây cối để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Dần dần, nữ sinh đọc thêm sách về cây trồng để tìm hiểu về các hình thức sinh trưởng đa dạng.
“Tuy nhiên, việc đó chỉ dừng lại ở mức sở thích trong một thời gian rất dài vì mình quyết định theo đuổi chuyên Văn của trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM. Cho đến năm lớp 11, khi du học cấp 3 ở Mỹ, mình đăng ký một lớp Sinh học nâng cao. Từ lớp học này, mình đã ấn tượng mạnh hơn với chương về tiến hóa và di truyền, đặc biệt là sự tiến hóa trong thực vật”, Mỹ chia sẻ.
Để thỏa trí tò mò và muốn tìm hiểu sâu hơn về sự tiến hóa của cây trồng , Mỹ đã nộp đơn xin học bổng và trúng tuyển Đại học Oberlin ngành Sinh học. Trong thời gian này, nữ sinh tranh thủ tham gia nhiều phòng thí nghiệm khác nhau cùng chủ đề di truyền và tiến hoá; trích xuất và xây dựng thư viện gen của cây, thực hiện các phân tích để làm phả hệ cho Schiedea.
Trong cuối năm 2023, nữ du học sinh Việt đã hoàn thành sơ đồ tiến hóa của loài Schiedea. Dấu ấn này đã giúp Mỹ được nhận vào chương trình thực tập của Viện nghiên cứu khoa học và cây trồng Arnold (Đại học Harvard) và giành giải thưởng nhà thực vật học trẻ của Hiệp hội thực vật học Mỹ (BSA).
Vượt qua sự nghi ngờ về bản thân
Đằng sau một cô gái nhiều năng lượng, Mỹ thừa nhận có nhiều thời điểm cô muốn dừng lại. “Ở Đại học Oberlin – một trường khai phóng có nhiều sinh viên nộp đơn vào các chương trình thạc sĩ nhất. Vì vậy, bên cạnh mình đều là các bạn sinh viên rất giỏi, có nhiều kinh nghiệm làm việc. Khi nhìn lại bản thân, mình lo rằng mình còn quá trẻ và không đủ kinh nghiệm để có thể làm nổi bật bản thân giữa rất nhiều các ứng viên tài năng khác”, nữ sinh tâm sự.
Khi cảm thấy nghi ngờ về bản thân, Mỹ đã nói chuyện với thầy hướng dẫn để xin lời khuyên, và trao đổi với thầy rằng liệu mình có nên lùi việc nộp đơn hay không. “Khi thấy thầy xem qua nghiên cứu và nhận xét rằng dự án này là điều không tưởng mà một sinh viên cử nhân có thể làm được, mình đã tự tin về bản thân hơn”, nữ sinh nói.
Vì vậy, tháng 7/2023, Mỹ quyết định tốt nghiệp sớm 1 năm ở bậc đại học và xác định theo đuổi bậc học tiến sĩ. Chỉ với 2 tháng chuẩn bị hồ sơ nộp đơn vào các chương trình tiến sĩ ở Mỹ, thời gian nữ sinh phải rất gấp rút đọc nghiên cứu và tìm các phòng thí nghiệm phù hợp.
Ngoài Đại học Harvard, nữ sinh cũng trúng tuyển 6 trường đại học khác như Đại học Stanford, Chicago, South Carolina, Tennessee, Georgia và Texas.
“Cả gia đình rất bất ngờ bởi trong quá trình nộp hồ sơ từ tháng 8/2023 đến lúc có kết quả đầu tiên vào tháng 2/2024, mình không tiết lộ bởi bố mẹ luôn lo lắng mình sẽ làm việc quá sức.
Khi nhận được thông báo đỗ Đại học Harvard, người đầu tiên mình thông báo là mẹ. Mẹ rất bối rối và ngạc nhiên lúc đầu, hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tuy nhiên sau khi mình giải thích, gia đình mình rất vui và hoàn toàn ủng hộ con đường mình đã chọn”, Mỹ chia sẻ.
Hiện, Mỹ hứng thú nghiên cứu về sinh học thụ phấn và sinh sản trong tiến hóa thực vật. Theo cô bạn, sinh học tiến hóa đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và bảo tồn môi trường .
“Bằng cách hiểu cách các loài thích nghi với môi trường thay đổi, chúng ta có thể dự đoán sinh vật nào có nguy cơ cao nhất và phát triển các chiến lược để bảo vệ chúng.
Những hiểu biết tiến hóa về đa dạng di truyền và khả năng thích ứng cũng có thể hướng dẫn các nỗ lực khôi phục môi trường sống, quản lý các loài xâm lấn và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái cần thiết cho sự phát triển bền vững”, Mỹ cho hay.
Nguồn: https://danviet.vn/tu-so-thich-lam-vuon-nu-sinh-21-tuoi-gianh-hoc-bong-tien-si-dai-hoc-harvard-20240923102400869.htm