Với những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã tiếp tục ghi dấu ấn rõ nét trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần tạo động lực cho khát vọng vươn tầm thị xã trong tương lai gần của huyện Hòa Vang.
Động lực từ nông thôn mới
Ông Phan Duy Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: Hòa Vang là huyện nông nghiệp duy nhất trên địa bàn TP Đà Nẵng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, huyện Hòa Vang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, đến cuối năm 2024, toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn NTM, có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong.
Hiện Hòa Vang đang tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu với mục tiêu trọng tâm là phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại IV và được công nhận là thị xã Hòa Vang vào cuối năm 2025.
Nông thôn mới là nền tảng để huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng thực hiện khát vọng vươn tầm đô thị. Ảnh: T.H.
Trong năm 2024, huyện tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị với tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng cơ bản là 692,647 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư trực tiếp NTM là 200 tỷ đồng, vốn lồng ghép là 492,647 tỷ đồng). Riêng đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp xây dựng NTM năm 2024 là 200 tỷ đồng, triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 72/2021/NQ-HĐND. Kinh phí giải ngân đến ngày 25/12/2024 là 112.922 triệu đồng.
Ông Anh cho hay, trong quá trình xây dựng NTM, huyện Hòa Vang luôn chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động được sức dân trong việc hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, cải tạo vườn tạp, đường giao thông nông thôn.... Nhờ đó, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Trường học tại xã trên địa bàn huyện Hòa Vang được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: T.H.
Song song đó, công tác quy hoạch được UBND huyện tập trung thực hiện, hướng đến xây dựng phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang. Năm 2024, địa phương đầu tư, nâng cấp 13,9km đường giao thông nông thôn, kiệt hẻm; 34,14km điện chiếu sáng phục vụ dân sinh tại các xã Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Bắc; 12km đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất; 5,22km kênh mương thủy lợi.
Đồng thời đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo 16 công trình trường học mầm non, tiểu học; 15 công trình nhà văn hóa, khu thể thao thôn tại xã Hòa Phong, Hòa Châu, Hòa Tiến; đầu tư 47 công trình mương thoát nước khu dân cư với tổng chiều dài 8,08km.
Tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông giúp huyện Hòa Vang "khoác áo mới". Ảnh: T.H.
Đến nay, toàn huyện có 43/45 trường công lập được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 95,6% và có 19/19 trường tiểu học đạt chuẩn Trường học xanh; 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 95,8%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh và ngày càng sôi nổi; các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy.
Khu phố chợ Túy Loan điểm sáng trong phát triển thương mại - dịch vụ của huyện Hòa Vang. Ảnh: T.H.
Phố đêm Túy Loan nơi tập trung hàng trăm tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Ảnh: T.H.
Công tác quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Công tác an sinh xã hội cũng được thực hiện tốt, đặc biệt tập trung triển khai thực hiện các giải pháp giảm nghèo. Trong năm 2024, huyện Hòa Vang đã cấp 5.727 thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng.
Hướng đến đô thị văn minh – hiện đại, huyện Hòa Vang chú trọng triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025.
Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) đạt OCOP du lịch 4 sao. Ảnh: Văn Hoàng.
Được biết, UBND huyện Hòa Vang đã công nhận thôn thông minh năm 2024 cho 3/113 thôn (thôn Dương Lâm 1, Túy Loan Đông 2 thuộc xã Hòa Phong và thôn Trà Kiểm thuộc xã Hòa Phước). Ngoài ra, UBND xã Hòa Phước đã xây dựng dự án "Thí điểm xây dựng mô hình chuyển đổi số NTM hướng tới xã NTM thông minh" trình UBND huyện xem xét.
Nỗ lực vươn tầm thị xã
Ông Phan Duy Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, huyện Hòa Vang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hòa Vang xây dựng đô thị song song với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: T.H.
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện từng bước hình thành và phát triển mở rộng; hoạt động sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Các hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực sản xuất và đời sống được đẩy mạnh, từng bước nâng cao chất lượng. Năm 2024, huyện Hòa Vang vận động nhân dân chuyển đổi 8,5ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, khôi phục 37,88ha đất sản xuất tại các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Liên.
Toàn huyện có 8 vùng (51,89ha) được cấp mã vùng trồng, các vùng trồng rau, hoa tiếp tục tổ chức sản xuất thường xuyên. Ngoài ra, duy trì 119,5ha diện tích nuôi trồng thủy sản, nhiều mô hình chăn nuôi được triển khai nhân rộng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện Hòa Vang từng bước hình thành và phát triển mở rộng. Ảnh: T.H.
Hợp tác xã rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có 40 hộ tham gia canh tác hàng chục loại rau quả theo chuẩn VietGAP. Ảnh: T.H.
Năm 2025, huyện Hòa Vang huy động toàn lực tập trung thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn các xã để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đến cuối năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trong đó xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao đối với 3 xã (Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Ninh) và 3 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Khương (hoặc Hòa Nhơn) theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2022-2025; nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị trên địa bàn các xã; đẩy mạnh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; chú trọng, tập trung duy trì ổn định các tiêu chí như môi trường, văn hóa, hộ nghèo, an ninh trật tự, hình thức tổ chức sản xuất... bảo đảm điều kiện để huyện Hòa Vang xây dựng đạt chuẩn đô thị loại IV, trở thành thị xã.
"Để Hòa Vang trở thành thị xã, địa phương còn rất nhiều việc phải làm, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với quá trình xây dựng Hòa Vang trở thành đô thị sinh thái giàu bản sắc; hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao....", ông Phan Duy Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nhấn mạnh.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-thon-moi-da-nang-ha-tang-hien-dai-thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-tang-len-o-huyen-hoa-vang-20250221141138216.htm
Bình luận (0)