Trương Tuấn Thành (SN 1976) xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo, có 7 anh chị em ở Trường Trị (Sơn Tây, Trung Quốc). Là con út lại vốn thông minh nên Tuấn Thành được người thân hết lòng ủng hộ việc học. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, lên lớp 7, Tuấn Thành phải nghỉ học ở nhà làm nông phụ bố mẹ trả nợ. 

Ở tuổi mới lớn, anh bươn chải đủ nghề làm mọi việc trong mỏ sắt với mức lương thấp từ 20 đến 30 NDT/tháng (~70.000-105.000 đồng).

Vài năm sau, được sự giúp đỡ của người cùng làng, anh lên thành phố làm thợ sửa xe. Công việc tại đây nặng nhọc và vất vả, anh nhận ra cả đời không thể làm việc chân tay. Khao khát thay đổi số phận của Tuấn Thành bắt đầu được ấp ủ.

Năm 1994, anh được giới thiệu đến Bắc Kinh (Trung Quốc) tham gia khóa đào tạo nhân viên bảo an. Sau gần 1 tháng huấn luyện khắc nghiệt với cường độ cao, vượt qua 500 ứng viên, Tuấn Thành được phân về Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) làm bảo vệ. Trở thành nhân viên bảo vệ của đại học hàng đầu Trung Quốc, Tuấn Thành tự hào. Do đó, anh luôn nhiệt huyết với công việc.

Tuy nhiên, một ngày, sự cố bất ngờ đến, vì chỉ học hết lớp 6 nên trình độ tiếng Anh của Tuấn Thành không tốt. Khi du khách nước ngoài muốn tham quan Đại học Bắc Kinh, vì không hiểu họ nói gì, Tuấn Thành chặn cổng không cho vào. Bực tức hành động của Tuấn Thành, đoàn khách có những lời nói mỉa mai anh. Lúc này, Tuấn Thành xấu hổ gọi điện cho mẹ muốn về quê. 

Trước câu chất vấn: “Làm ở thành phố con đã thành công chưa?”. Tuấn Thành lập tức thức tỉnh, suy nghĩ về câu nói của mẹ. Vì bản thân không còn đường lui, hôm sau, anh mua SGK tiếng Anh cấp 2 về tự học. Ban đầu, Tuấn Thành học thuộc những mẫu câu giao tiếp cơ bản. Sau đó, anh chủ động bắt chuyện với người nước ngoài. 

Tự học nên phát âm của Tuấn Thành có nhiều nhược điểm. Tình cờ một lần, giáo sư Tào Yên – khoa tiếng Anh của Đại học Bắc Kinh nghe thấy cuộc hội thoại giữa anh và du khách. Lúc đó, giáo sư nói với Tuấn Thành rằng: “Ham học là tốt nhưng em nói tiếng Anh nghe như tiếng Đức. Nếu tiếp tục phát âm như vậy, du khách sẽ cười em”. 

Thấy tính ham học hỏi và tinh thần cầu tiến của Tuấn Thành, lúc này, giáo sư Yên quyết định tạo điều kiện cho anh tham gia khóa học GRE (kết quả GRE dùng để xét tuyển sau đại học ở Mỹ). Tuy nhiên, học phí lúc đó là 3.600 NDT/kỳ (~12,6 triệu đồng), trong khi lương bảo vệ của Tuấn Thành chỉ 214 NDT/tháng (~750.000 đồng). Biết hoàn cảnh gia đình, giáo sư Yên miễn học phí để Tuấn Thành đến lớp. 

Ngoài thời gian học 7h-12h và 15h-17h, Tuấn Thành vẫn làm bảo vệ tại Đại học Bắc Kinh. Ngày vừa làm vừa học, đêm về anh tiếp tục “dùi mài kinh sử”. Ý thức được việc học là con đường duy nhất để đổi đời, Tuấn Thành ấp ủ giấc mơ thi đại học. Đúng thời điểm đó, Trung Quốc cho phép thí sinh tự do tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. 

Nắm bắt cơ hội, Tuấn Thành bắt tay vào ôn thi. Đặt mục tiêu phải đỗ đại học, mỗi ngày anh chỉ ngủ 3 tiếng. Sau thời gian nỗ lực cùng sự trợ giúp của thầy cô, năm 1995, tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, Tuấn Thành đạt 413 điểm.

Thừa 2 điểm so với điểm chuẩn khoa Luật của Đại học Bắc Kinh, Tuấn Thành chính thức trở thành tân sinh viên ở tuổi 19. Để có chi phí sinh hoạt, ngày anh đi học, tối về lại đứng gác cổng.

truong tuan thanh.png
Vươn lên nghịch cảnh, ở tuổi 39, ông Trương Tuấn Thành trở thành Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Trường Trị (Trung Quốc). Ảnh: Baidu

Năm 1998, tốt nghiệp cử nhân Luật loại Xuất sắc, anh quyết định về quê làm giáo viên tại một trường nghề ở Trường Trị (Sơn Tây, Trung Quốc). Bước chân vào ngành giáo dục, thầy giáo trẻ dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp gieo chữ.

Nhờ kiến thức uyên bác, sự hài hước, dí dỏm cùng vốn sống phong phú, thầy Thành nhanh chóng gây ấn tượng với học sinh. Các tiết Luật và Chính trị do thầy dạy luôn được học sinh mong chờ. 

Không lâu sau, thầy Thành được giao làm chủ nhiệm lớp cá biệt. Chọn cách đồng hành với học trò, thầy Thành hòa mình vào cuộc sống của các em, chia sẻ câu chuyện thường ngày.

Chính sự gần gũi đã giúp thầy nhận được sự tin tưởng của học sinh. Cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, lúc này, các em có động lực vươn lên trong học tập. Từ lớp cá biệt không nổi bật, đến khi tốt nghiệp lại đứng đầu khối.

Sau 16 năm công tác tại trường, nhận thấy nhiều ý tưởng và phương pháp giáo dục chưa thể thực hiện, thầy Thành quyết định xin nghỉ việc. 

Năm 2015, thầy cùng 4 người bạn thành lập Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Trường Trị (Trung Quốc). Vươn lên nghịch cảnh, ở tuổi 39, ông trở thành hiệu trưởng trường trung cấp nghề. Ông chia sẻ, mọi hoạt động học tập của trường được xây dựng dựa theo nguyên tắc quân đội, với mức học phí gần như bằng 0 dành cho học sinh nghèo.

“Tôi mong muốn giúp đỡ trẻ em nghèo. Chúng chỉ có thể thay đổi số phận bằng con đường duy nhất là học tập”, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Trường Trị (Trung Quốc), bày tỏ. Với phương châm coi học sinh như con, ông mong muốn tạo ra một môi trường học tập ấm áp, yêu thương. 

Trở thành một trong những nhân vật truyền cảm hứng, khi xuất hiện tại chương trình Hẹn gặp lại bạn của Đài Phát thanh – Truyền hình Hồ Nam (Trung Quốc), ông cho biết: “Hiện tại, nguyện vọng lớn nhất của tôi là giúp đỡ trẻ em nghèo thực hiện ước mơ của bản thân”. Ông quan niệm, có người dẫn đường đúng tương lai các em mới sáng. 

Dù đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp nhưng Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Trường Trị vẫn chưa hài lòng về bản thân. “Tôi chưa cống hiến được nhiều cho xã hội. Sự đóng góp của tôi chỉ là một phần nhỏ”, ông nói. 

Á hậu tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: ‘Tôi sẽ học lên cao hơn’Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2022 Trịnh Thùy Linh vừa tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh doanh và Marketing thuộc Viện Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.