Hơn 20 năm trước, người dân khoan giếng phát hiện nước từ lòng đất có những đặc tính khác lạ. Loại nước này đến nay đã tạo nguồn thu cho du lịch cả huyện lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Nguồn nước mang lại giá trị nghìn tỷ
Năm 1998, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) gặp trận hạn hán lớn, người dân khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Trong bối cảnh đó, ông Phan Ngọc Thành (SN 1960) đã thuê người khoan sâu vào lòng đất để giải bài toán khó khăn này.
Cho đến hôm nay, ông Thành vẫn rất tự hào khi mũi khoan cách đây 27 năm đã tạo nên kỳ tích về phát triển du lịch cho quê nhà.
Ông Thành kể, khi nhóm thợ khoan làm việc khoảng 2 ngày thì nước từ lòng đất bắt đầu phụt lên. Mùi nước lúc đầu rất khó chịu, có màu đục. Nhưng tiếp tục khoan sâu xuống lòng đất, ông phát hiện nguồn nước rất trong và nóng.
"Khi phát hiện có nước nóng, tôi và một số người dân sống gần đó thử dùng để tắm hoặc ngâm mình trong nước. Kết quả khi tắm xong cảm giác rất sảng khoái, khỏe khoắn", ông Thành nhớ lại.
Thông tin về dòng nước nóng từ lòng đất đã được người dân truyền tai nhau trong xóm làng. Sau đó, rất đông người dân tự khoan giếng và nơi đây rộ lên dịch vụ tắm khoáng nóng. Những năm 2000, từ một vài hộ nhỏ lẻ, dịch vụ tắm khoáng nóng sau đó được mở rộng lên quy mô hàng chục cơ sở.
Tiếng lành đồn xa, loại nước khoáng nóng này được người dân khắp nơi biết và tìm đến để trải nghiệm.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Thanh Thủy có mỏ khoáng nóng với trữ lượng trên 20 triệu m3 chứa nhiều chất vi lượng, trong đó có chất Radon quý hiếm. Nhiệt độ nước khoáng nóng tại Thanh Thủy dao động từ 37-53 độ C.
Nguồn nước trời ban đã tạo ra nguồn thu từ dịch vụ du lịch cho huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo thống kê của UBND huyện Thanh Thủy, khoáng nóng là yếu tố thu hút du lịch số 1 trên địa bàn.
Doanh thu từ du lịch - dịch vụ của huyện trong những năm gần đây không ngừng tăng lên và năm sau vượt trội hơn năm trước. Cụ thể, năm 2023 đạt 520 tỷ đồng và năm 2024, doanh thu đạt 780 tỷ đồng.
Từ bể tắm tự phát đến dịch vụ nghỉ dưỡng 5 sao
Với nguồn nước quý hiếm, các dịch vụ du lịch xoay quanh nước khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy không ngừng được nâng cấp.
Ông Vũ Đức Kiên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Thủy cho biết: Vào khoảng năm 1982, đoàn địa chất 303 đã phát hiện mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy. Tuy nhiên, phải 16 năm sau, từ mũi khoan của ông Phan Ngọc Thành thì dịch vụ tắm khoáng nóng tại Thanh Thủy mới nở rộ.
Theo ông Kiên, hầu hết mọi người ghé thăm địa phương đều trải nghiệm dịch vụ tắm khoáng nóng. Ông cho biết, nước khoáng nóng là một trong những lý do đầu tiên thuyết phục du khách đến đây.
Nhớ lại giai đoạn 2008-2014, ông Kiên cho biết đã có hàng chục cơ sở kinh doanh tự phát làm dịch vụ tắm khoáng nóng. Tuy nhiên, với đòi hỏi về hành lang pháp lý và thủ tục cấp phép sử dụng khoáng sản, sau này, huyện đã xác định phối hợp với doanh nghiệp nâng tầm dịch vụ nghỉ dưỡng gắn với khoáng nóng.
Với định hướng trên, đến nay, tại huyện Thanh Thủy đã có nhiều doanh nghiệp lớn rót vốn đầu tư dịch vụ nghỉ dưỡng góp phần thay đổi diện mạo du lịch địa phương.
Theo thống kê, hiện có 6 doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện Thanh Thủy. Tổng mức đầu tư dự án trên địa bàn huyện gần 8.000 tỷ đồng trên diện tích khoảng 124ha.
Theo khảo sát, loại hình biệt thự nghỉ dưỡng được nhiều gia đình lựa chọn cho kỳ nghỉ cuối tuần khi mỗi căn có thể đáp ứng cho khoảng 10-12 thành viên.
Anh Nguyễn Hoàng Đức (quê Hà Nội) cho biết, anh trải nghiệm tắm khoáng nóng tại Thanh Thủy hơn 10 năm nhưng khi trở lại vào những ngày đầu năm 2025, anh thấy diện mạo du lịch đã hoàn toàn khác biệt.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Thủy Vũ Đức Kiên lạc quan, trong thời gian tới dự kiến huyện sẽ là điểm đến của nhiều dự án nghỉ dưỡng kết hợp tắm khoáng nóng. Từ đó, du khách sẽ có thêm lựa chọn để nâng cao chất lượng trải nghiệm khi về với Thanh Thủy.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tu-mui-khoan-cach-day-27-nam-phat-lo-thu-nuoc-tao-gia-tri-nghin-ty-dong-2361525.html
Bình luận (0)