Trong ba năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ), đặc biệt trong năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ và dự báo năm 2024 sẽ giảm xuống còn 1,91 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất trong lịch sử.
Từ mức sinh thấp đến già hóa, Việt Nam cần chiến lược toàn diện về dân số
Trong ba năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ), đặc biệt trong năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ và dự báo năm 2024 sẽ giảm xuống còn 1,91 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất trong lịch sử.
Ngày 27/12, Cục Dân số (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Tại sự kiện, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng cho biết, mặc dù chính sách dân số của Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, nhưng công tác này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Trong thời gian gần đây, một số địa phương như TP.HCM đã triển khai các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
|
Trong ba năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ), đặc biệt trong năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ và dự báo năm 2024 sẽ giảm xuống còn 1,91 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất trong lịch sử. Nếu xu hướng này tiếp tục, Việt Nam sẽ đối diện với tình trạng giảm dân số tự nhiên trong tương lai không xa.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng khác là mất cân bằng giới tính khi sinh, mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, ước tính năm 2024 là 112 bé trai/100 bé gái.
Bên cạnh đó, tình trạng già hóa dân số cũng đang diễn ra nhanh chóng, khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng và hệ thống y tế chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này. Việc nâng cao chất lượng dân số, cải thiện thể chất, trí tuệ và tinh thần của người dân vẫn còn nhiều thách thức.
Trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu quan trọng về dân số, bao gồm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, duy trì mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số.
Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu này, cần có một chiến lược tổng thể với sự tham gia mạnh mẽ của các bộ ngành và chính quyền các địa phương.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là việc trình Quốc hội dự thảo Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm thực thi Nghị quyết 21-NQ/TW về dân số.
Bên cạnh đó, cần phải triển khai các đề án về dân số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và cải thiện chất lượng dân số.
Công tác truyền thông cũng cần phải được tăng cường để thay đổi nhận thức của người dân về các vấn đề dân số, đặc biệt là vấn đề mức sinh thấp.
Các chương trình truyền thông cần phải xây dựng các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về sự quan trọng của việc sinh đủ hai con và tạo ra môi trường thuận lợi để các gia đình có thể sinh con và nuôi dạy con một cách tốt nhất.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, một số địa phương như TP.HCM đã triển khai các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Mới đây, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 40/2024/NQ-HĐND, trong đó quy định các chính sách khen thưởng đối với các gia đình thực hiện tốt công tác dân số, như hỗ trợ 3 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi và 2 triệu đồng đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo khi thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh.
Dù vậy, những chính sách hỗ trợ tài chính này chỉ mang tính chất khuyến khích và không thể giải quyết triệt để vấn đề mức sinh thấp. Các đô thị phát triển trong khu vực Châu Á đã sử dụng giải pháp tài chính để giải quyết vấn đề mức sinh thấp, nhưng kết quả vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.
Do đó, việc hỗ trợ tài chính phải đi kèm với các chính sách đồng bộ về giáo dục, y tế, nhà ở và an sinh xã hội, nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất cho các gia đình trẻ.
Giải quyết vấn đề mức sinh thấp không phải là một nhiệm vụ của riêng ngành Y tế, mà cần sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng thuận của cộng đồng.
Để tạo ra hiệu quả lâu dài, cần một chiến lược đồng bộ giữa các chính sách về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người dân có đủ điều kiện để nuôi dạy con cái trong một môi trường ổn định và đầy đủ.
Ngoài ra, để giải quyết bài toán mức sinh thấp, TP.HCM và các địa phương khác đã áp dụng nhiều phương pháp truyền thông mới, như sử dụng các kênh truyền thông số, mạng xã hội và các phương tiện đại chúng để nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này. Những chiến dịch truyền thông hiệu quả sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về tình hình dân số hiện nay và các giải pháp cần thiết để cải thiện mức sinh.
Trên phạm vi cả nước theo một số chuyên gia, Việt Nam cần triển khai các chính sách mạnh mẽ và toàn diện, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Sự tham gia của các bộ ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng là rất quan trọng. Chính sách dân số không chỉ đơn thuần là vấn đề sinh sản, mà còn là vấn đề phát triển bền vững của cả quốc gia. Với những giải pháp đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể cải thiện chất lượng dân số và xây dựng một tương lai phát triển ổn định, bền vững.
PGS-TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm cuối thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Để từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được Chính phủ giao, đặc biệt là về những vấn đề mới, những vấn đề mang tính bước ngoặt của công tác dân số Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW và chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
Do đó, PGS-TS.Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Cục Dân số tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.
Chủ động xây dựng 3 đề án được giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền. Tổ chức đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam; sơ kết, tổng kết các chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng phê duyệt để đề xuất điều chỉnh và thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan/đơn vị liên quan trong việc bố trí nguồn lực cho công tác dân số để bảo đảm cho việc thực hiện 12 chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành thành viên đẩy mạnh các hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia Dân số và Phát triển.
Cục Dân số cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo hướng dẫn thực hiện công tác dân số năm 2025 gửi các địa phương; tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, đôn đốc hỗ trợ các tỉnh/thành phố huy động nguồn lực cũng như chuyên môn nghiệp vụ về dân số nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu về dân số theo kế hoạch đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.
Nguồn: https://baodautu.vn/tu-muc-sinh-thap-den-gia-hoa-viet-nam-can-chien-luoc-toan-dien-ve-dan-so-d236090.html